Sự đổ vỡ tất yếu
Những ngày gần đây, “bom nợ” Evergrande trị giá 300 tỷ USD là cái tên được đề cập khá nhiều khi nó trở thành nỗi lo lớn với nguy cơ gây hệ lụy cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Mặc dù Evergrande đã đang cố gắng huy động vốn để trả cho nhiều chủ nợ và nhà cung cấp của mình.
Lối vào toà nhà Evergrande tại Thâm Quyến, nơi các nhà đầu tư tập trung để yêu cầu hoàn trả các khoản vay và các sản phẩm tài chính (ảnh: Internet)
Theo cảnh báo từ cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings Inc., việc Evergrande vỡ nợ có thể tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, nhiều lĩnh vực có thể chịu rủi ro tín dụng cao. Được biết các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã cung cấp cho Evergrande khoản vay trị giá 572 tỷ Nhân dân tệ (88,8 tỷ USD). Nhưng con số thực tế có thể cao hơn, vì có khả năng các ngân hàng còn làm việc gián tiếp với các nhà cung cấp của Evergrande, những người đang bị nợ 667 tỷ Nhân dân tệ (103 tỷ USD) tiền hàng hóa và dịch vụ.
"Các ngân hàng nhỏ hơn có mức độ tiếp xúc cao hơn với Evergrande hoặc với các nhà phát triển dễ bị tổn thương khác có thể phải đối mặt với việc nợ xấu gia tăng, tùy thuộc vào cách thức bất kỳ sự kiện tín dụng nào liên quan đến Evergrande xảy ra", Fitch cho biết.
Đồng thời, một cuộc thăm dò độ nhạy cảm do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiến hành gần đây cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn trung bình của 4.000 ngân hàng của nước này sẽ chỉ giảm ở mức khiêm tốn, nếu tỉ lệ nợ xấu cho các khoản cho vay phát triển bất động sản tăng 15 điểm cơ bản.
Theo Reuters đưa tin, trong ngày 15/9, khoảng 40 người đã tập trung gần lối vào trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến, khiến nhiều nhân viên an ninh được huy động để kiểm soát tình hình. Tình trạng hỗn loạn này cũng đã xảy ra cách đây một vài ngày, khi các nhà đầu tư tập trung để yêu cầu Evergrande hoàn trả các khoản vay và các sản phẩm tài chính.
Với các rắc rối đang phải đối mặt, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc) của Evergrande giảm thêm 5% xuống còn 2,82 đô la Hồng Kông vào sáng ngày 15/9, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2014 tới nay.
Theo một chuyên gia tài chính đánh giá, việc Evergrande tích lũy khối nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD đến từ hai nguyên nhân chính như:
Thứ nhất, xuất phát việc vay mượn quá đà của Evergrande để làm các dự án bất động sản hay còn gọi là “tay không bắt giặc”.
Thứ hai, hoạt động đầu tư đa ngành thiếu tập trung, khi vừa sở hữu ngân hàng, đội bóng đá, công ty xe điện, thực phẩm, truyền thông, âm nhạc,... gần như tất cả các ngành liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân, Evergrande đều góp mặt. Trong khi, các khoản vay là nguồn tài chính giúp Evergrande mở rộng sang các lĩnh vực này.
“Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường bất động sản Trung Quốc đã bị chậm lại và nhu cầu chưa thể phục hồi ngay, khiến các khoản thu của Evergrande cũng chậm theo. Từ đó, công ty mất dần khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhằm gia tăng trách nhiệm với các công ty đang có nợ vay.
Đây cũng được xem là một cú đánh vào cách thức kinh doanh của Evergrande với 800 dự án khắp Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện và việc không thể tiếp tục vay đã gây ra một thảm họa lớn. Nhận diện được tình hình tài chính khó khăn, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong suốt một năm qua”, vị chuyên gia phân tích.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Có thể thấy, khoản nợ hơn 300 tỷ USD này tương đương 2% GDP Trung Quốc và sự sụp đổ có nguy cơ tạo ra hiệu ứng Domino, khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng và rút tiền, gây mất thanh khoản. Để đảm bảo an toàn vốn, thì các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất, vô hình chung gây khó khăn cho nền kinh tế đang điêu đứng vì dịch bệnh.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, có rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS và không có tài sản bảo đảm, được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư cần thận trọng (ảnh: Internet)
Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã lớn mạnh, bằng chứng là chính quyền Trung Quốc đã ra tay siết quy định, hoạt động với các công ty lớn liên quan đến lĩnh vực công nghệ, giáo dục và yêu cầu ngân hàng giảm cho vay với lĩnh vực bất động sản. Như vậy, việc Evergrande phá sản lúc này hoàn toàn có thể xảy ra mà không nhận được sự trợ giúp nào từ chính quyền.
Điều này cũng làm nổi bật lên quan điểm của một số chuyên gia, ngược với cảnh báo của Fitch, về việc cứ cho vỡ nợ của tập đoàn lớn diễn ra, và đó sẽ là nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính khỏe mạnh hơn trong tương lai, khi loại bỏ được các rủi ro với niềm tin của các nhà đầu tư rằng: “Chính quyền sẽ luôn luôn cứu các công ty đang gặp khó khăn”.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, có rất nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty bất động sản (BĐS) và không có tài sản bảo đảm, được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư cần thận trọng. TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp mà không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không. Đồng thời họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành.
"Khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên như trả thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ cho ngân hàng,… gần cuối cùng mới đến người mua trái phiếu. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu BĐS đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh COVID-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động, nhưng vẫn đi vay vốn và các rủi ro này đều đổ dồn vào trái chủ", TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Theo nghiên cứu của ThS. Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ BĐS và có thể đối mặt với những khó khăn như thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần có những giải pháp mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện riêng của mình như:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt quan tâm đến các công cụ tài chính BĐS như quy định về phát hành trái phiếu dự án, phát hành hối phiếu có đảm bảo bằng BĐS, thành lập các quỹ tín thác đầu tư BĐS… nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững.
Thứ hai, tái cơ cấu thị trường BĐS, phát triển đa dạng các loại hàng hóa, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu, khắc phục lệch pha cung - cầu hàng hóa, chủ động bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước chủ động điều tiết cung hàng hóa BĐS thông qua quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là nguồn cung đất đai cho thị trường BĐS sơ cấp thông qua việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường các dự án nhà ở mức trung bình, thấp và giảm tỷ trọng dự án cao cấp để tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về thị trường BĐS thống nhất, tin cậy từ trung ương đến địa phương làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quản lý thị trường; bảo đảm thị trường BĐS hoạt động một cách công khai, minh bạch.
Thứ tư, cơ quan chức năng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ tín dụng BĐS, giảm bớt tình trạng đầu cơ và đầu tư tràn lan có khả năng dẫn đến mất kiểm soát, hạn chế các khoản cho vay dưới chuẩn.
Thứ năm, hình thành và tạo điều kiện cho các định chế tài chính huy động các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định cho thị trường BĐS, có chính sách tín dụng linh hoạt để vừa tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường, vừa đảm bảo ngăn ngừa rủi ro, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Thứ sáu, các nhà đầu tư tiềm năng cần cẩn trọng với dòng vốn vay để đầu tư và điều chỉnh danh mục đầu tư phù hợp; kết thúc đầu tư cũ trước khi tham gia đầu tư mới để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản hoặc phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí bán dưới giá thành.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: