Đất "đợi" dự án!
Hơn 13ha đất nằm giáp đường giao thông thuận tiện, nối giữa khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính với đường Vành đai 3, khu đất quy hoạch xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính trên địa bàn quận Thanh Xuân nhằm phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí của hàng vạn cư dân tại khu vực này thực sự là khoảng không gian vô cùng quý giá của Hà Nội. Trong bối cảnh "đất quý như vàng", cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc TP dành 13,23ha đất cho công trình công cộng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Được biết, tại thời điểm GPMB để xây dựng công trình vào năm 2003, nhiều người dân đã chấp nhận mức đền bù 95.000 đồng/m2 để di dời. Nhưng, thật đáng tiếc, từ năm 2003 đến nay, diện tích trên vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang.
Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, từ năm 2003 quận Thanh Xuân đã phải ứng ra 27 tỷ đồng để GPMB. Nếu tính vào thời điểm đó, số tiền trên đủ xây được 5 trường tiểu học, vậy mà đến nay đất vẫn bỏ hoang, người dân chưa được hưởng lợi.
Ngoài dự án trên, hiện trên địa bàn quận Thanh Xuân còn 3 dự án khác chậm được triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó ô đất nhỏ nhất cũng có diện tích gần 1ha. Còn tại Ba Đình, nhiều dự án cũng trong tình trạng đáng báo động. Điển hình là dự án Ao Út Tu (thuộc phường Cống Vị) có diện tích đất rộng 9.771m2 giao cho Công ty Xây dựng phát triển nhà Ba Đình xây dựng nhà ở bán cho cán bộ công nhân viên một số đơn vị đã chậm triển khai đến... 14 năm. Tiếp đến là Dự án 4.000m2 tại cụm 5 phường Ngọc Hà được UBND TP giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án phát triển nhà ở từ năm 2003, hay dự án xây dựng nhà ở được giao từ năm 2002 tại xứ đồng Đống Nước trong ngõ 173 Hoàng Hoa Thám...
Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, cử tri trên địa bàn thực sự bức xúc trước thực trạng bỏ hoang đất, dự án treo. Bởi đất của người dân trong quy hoạch dự án thì không được cấp sổ đỏ, không cấp phép xây dựng, không canh tác.
Phân cấp quản lý chưa rõ
Kết quả giám sát bước đầu của HĐND TP cho thấy, phần lớn các dự án chậm triển khai mới dừng lại ở san lấp mặt bằng, xây tường rào bảo vệ, hệ thống thoát nước xây dựng. Không ít dự án nợ tiền thuê đất nhiều năm qua. Thậm chí, có những diện tích đang bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích như ô đất ký hiệu 3.10-NO Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Từ tháng 12-2008, lô đất này đã được UBND TP giao cho một công ty TNHH nhà nước một thành viên làm chủ đầu tư để xây dựng văn phòng cho thuê nhưng đến thời điểm hiện tại thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa xong mà thay vào đó lại là 1 gara ô tô, 1 bãi rửa xe, 1 bãi giữ xe và 2 cửa hàng?
Mổ xẻ nguyên nhân vì sao giữa trung tâm Thủ đô mà vẫn còn nhiều diện tích đất "vàng" bị bỏ hoang đến vậy, các thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP đã nhận được nhiều "đáp án" khác nhau. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng dự án chậm triển khai phần lớn là do gặp khó khăn trong công tác GPMB. Nhiều chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm, thậm chí có tâm lý khó bỏ, dễ làm. Đại bộ phận người dân nằm trong khu vực GPMB đều có tâm lý không muốn di chuyển tới nơi ở mới và không chấp nhận bồi thường. Thiếu nhà tái định cư cũng là nguyên nhân khiến không ít dự án quan trọng chậm tiến độ.
Ngoài những lý do nêu trên, nhiều thành viên đoàn giám sát cho rằng đã có sự "xé rào" ngay từ thủ tục giao dự án cộng với sự thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thái độ quyết liệt của chính quyền cơ sở đã dẫn đến dự án bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua. Mặt khác, không ít địa phương vẫn còn tâm lý dự án của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm quản lý mà vô tình sao lãng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với các dự án trên địa bàn.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt, thời gian qua việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP đã có những bước tiến bộ nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém và chưa thực sự quyết liệt nên nhiều diện tích bị bỏ lãng phí hay quản lý lỏng lẻo. Bức xúc trước thực trạng này, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đặt câu hỏi: "Vấn đề tài sản công, cứ đụng cái khó là né hay có phải là của chùa nên không ai thấy xót". Và câu hỏi trên vẫn đang đợi một câu trả lời?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: