Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai ở huyện Thủy Nguyên.
Nhằm phát huy hết tiềm năng đô thị
Ngày 30/11, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng đề án đưa huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng theo đề xuất của Ban cán sự UBND thành phố.
Thành phố Hải Phòng đánh giá mô hình quản lý hành chính nông thôn ở Thủy Nguyên hiện không còn phù hợp, cần thiết phải thành lập đơn vị hành chính đô thị. Chính quyền đô thị sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế có sẵn của Thủy Nguyên, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng đề án đúng quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên có 35 xã (7 xã miền núi), 2 thị trấn, diện tích hơn 261 km2, dân số 333.900 người, được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của Hải Phòng. Thủy Nguyên sẽ là đô thị trung tâm mới, là trung tâm hành chính, chính trị, thương mại, tài chính - ngân hàng, đô thị của thành phố Hải Phòng.
Tốc độ phát triển kinh tế của huyện Thủy Nguyên trong các năm 2015-2020 luôn duy trì ở mức cao, đạt 15%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản giảm. Thu hút đầu tư vào Thủy Nguyên phát triển nhanh, giai đoạn 2016-2020, tổng đầu tư toàn xã hội đạt hơn 63.579 tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,2 tỷ USD. Thu ngân sách trong 5 năm đạt 14.752 tỷ đồng.
Huyện Thủy Nguyên được đánh giá là có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đang từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Tổng diện tích quy hoạch đô thị công nghiệp là hơn 13.000ha, chiếm 52% tổng diện tích tự nhiên, trong đó quy hoạch đô thị là hơn 7800ha.
Tại đây, dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm cùng một loạt dự án đường giao thông quan trọng đã và đang triển khai như: Cải tạo đường 359, đường Máng Nước, đường thị trấn Minh Đức, khu du lịch Bạch Đằng Giang, khu Reort Sông Giá, cầu Dinh từ Thuỷ Nguyên đi Kinh Môn (Hải Dương)…
“Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thuỷ Nguyên phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; mặt khác sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thuỷ Nguyên nói riêng. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thuỷ Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết” - Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hải Phòng nhận định.
Đủ tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng
Theo Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hải Phòng, Thủy Nguyên có 18/37 xã đạt được 3 tiêu chuẩn về dân số, diện tích, cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội của phường thuộc thành phố trực thuộc thành phố trung ương mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. Để đảm bảo tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên thì sẽ tiến hành sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính đơn vị hành chính cấp xã.
So sánh với tiêu chuẩn thành lập quận thì Thủy Nguyên mới đạt được 2 trong số 5 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là dân số và diện tích. Các tiêu chuẩn về số đơn vị hành chính trực thuộc là phường, cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị không đáp ứng được tiêu chuẩn của đô thị cấp quận. Thủy Nguyên cũng không phù hợp thành lập thị xã vì được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, trung tâm thương mại, tài chính, đô thị của thành phố Hải Phòng.
Vì vậy, việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại Thủy Nguyên là phù hợp nhất cả về chủ trương và các tiêu chuẩn theo quy định vì thành phố sẽ có cả xã và phường. So với 5 tiêu chuẩn về thành phố trực thuộc thành phố, Thủy Nguyên đã cơ bản đạt được 4 tiêu chuẩn về dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc là phường chiếm từ 65% trở lên, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Cầu Hoàng Văn Thụ - cửa ngõ nối với huyện Thủy Nguyên.
Riêng tiêu chuẩn về phân loại đô thị, Thủy Nguyên chưa phân loại nên để xúc tiến thành lập thành phố trực thuộc thành phố thì Hải Phòng sẽ phải sớm triển khai thực hiện phân loại đô thị đảm bảo phù hợp theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Việc thành lập thành phố Thuỷ Nguyên đảm bảo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, không làm tăng số lượng đơn vị hành chính của huyện, giảm được số đơn vị hành chính cấp xã. Thuộc thành phố sẽ có cả xã và phường.
Việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố sẽ tạo tiền đề pháp lý cho thiết lập mô hình chính quyền đô thị phù hợp quá trình đô thị hóa, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại I, hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng tới các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đô thị thông minh, đô thị xanh.
Ông Nguyễn Văn Viển - Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: Trước chủ trương Thủy Nguyên sẽ lên phố, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủy Nguyên vô cùng phấn khởi, chuẩn bị tâm thế để thực hiện chủ trương của thành phố Hải Phòng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: