Trận mưa lớn ngày 26/8 khiến nội thành Hải Phòng chìm trong biển nước.
Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng đã quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước đô thị. Thế nhưng, có vẻ như việc đầu tư này chưa xứng tầm với sự phát triển như vũ bão của đô thị Hải Phòng hiện nay. Bởi vậy, sau mấy trận mưa lớn cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, đô thị Hải Phòng đã chìm trong biển nước.
Điều đáng nói là thiệt hại sau trận ngập lụt lịch sử ngày 26/8 vừa qua không chỉ là tài sản mà còn là người. Đó là sự việc hai bé gái bị đuối nước tại hồ Tiên Nga. Đây là nỗi đau, nỗi mất mát lớn đối với gia đình nạn nhân và cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn của người dân trước tình trạng đô thị ngập lụt sau mưa.
Trao đổi với ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về giải pháp chống ngập lụt, đảm bảo an toàn cho người dân, ông Thọ cho biết: “Thành phố đã có văn bản giao Sở Xây dựng Hải Phòng sớm nghiên cứu, đề xuất thành phố giải pháp chống ngập lụt”.
Về phía Sở Xây dựng Hải Phòng, ông Phạm Trung Huy – Phó Giám đốc Sở cho biết: “Ngay sau khi nhận chỉ đạo của UBND thành phố, Sở đang triển khai thực hiện chỉ đạo các đơn vị công ích có liên quan đến phòng chống bão lụt đề xuất phương án cụ thể theo chỉ đạo của thành phố. Từ đó, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo thành phố quyết định”.
Được biết, theo quy hoạch thoát nước mặt và thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 8/3/2018 và Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 của UBND thành phố Hải Phòng, Hải Phòng sẽ đầu tư thêm 33 nhà máy xử lý nước thải, xây mới bổ sung 447,84km đường cống các loại, bổ sung 174 trạm bơm nước thải và 33 trạm bơm nước mưa (công suất từ 3m3/s đến 22m3/s).
Ở một diễn biến khác, theo ông Phạm Quang Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng: Một trong những nguyên nhân gây ra ngập lụt được xác định là do hệ thống tiêu thoát nước của thành phố thiếu đồng bộ và đang trong tình trạng quá tải.
Nguyên nhân khiến nước rút chậm ở một số khu vực trên địa bàn thành phố là do các khu vực này hệ thống thoát nước qua các mương thoát nước, cống ngăn triều hoặc các khu vực trũng thấp, cách xa cửa xả tiêu thoát nước nên tiêu thoát nước chậm. Một số khu vực đô thị cũ, do hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ hàng chục năm trước, có tiết diện nhỏ nên việc tiêu thoát nước cũng chậm.
Bên cạnh đó, một số khu vực xa trung tâm thành phố, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhiều khu đô thị mới, tuyến đường mới được hình thành. Quá trình bê tông hóa các khu vực này làm tăng diện tích bề mặt không thấm nước, làm cho quá trình tự thấm nước giảm, tăng nguy cơ ngập lụt. Một số khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án đang thi công dở dang nên việc tiêu thoát nước cũng chậm.
Hải Phòng là một đô thị loại 1, những năm gần đây, hạ tầng giao thông - đô thị được đầu tư, kinh tế - xã hội bứt phá ngoạn mục. Nhưng một thành phố đáng sống không thể là thành phố cứ mưa là lụt, vì vậy Hải Phòng cần quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị cũng như khu vực ngoại thành. Mong rằng với tư duy và trách nhiệm với nhân dân, lãnh đạo thành phố Hải Phòng sẽ có những quyết sách quan trọng để Hải Phòng không còn cảnh cứ mưa là lụt nữa.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: