Hải Phòng sẽ cưỡng chế thu hồi nhiều đầm!?

Không chỉ riêng trường hợp đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Vũ Văn Luân…, hàng trăm ha đầm khác của hàng chục hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Tiên Lãng cũng nằm trong diện bị thu hồi.

Không chỉ riêng trường hợp đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Vũ Văn Luân…, hàng trăm ha đầm khác của hàng chục hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Tiên Lãng cũng nằm trong diện bị thu hồi.

Hàng trăm ha đầm nằm trong diện thu hồi


Những ngày cuối năm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), thay vì lo lắng chuẩn bị đón tết Nguyên đán đang đến gần, hàng chục chủ đầm khác nhiều ngày tháng qua mất ăn mất ngủ, vì tất cả đều nhận được thông báo thu hồi đầm nuôi trồng thuỷ sản đã được UBND huyện Tiên Lãng giao canh tác từ nhiều năm trước.


Phong trào nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tiên Lãng thực sự phát triển ở thời điểm đầu những năm 2000, khi những hộ tiên phong như Đoàn Văn Vươn, Vũ Văn Luân, Lương Văn Trong… sau một thời gian dài mò mẫm đã tìm được hướng đi để phát triển kinh tế, và bước đầu đã thu được những thành công nhất định.


Hải Phòng sẽ cưỡng chế thu hồi nhiều đầm!?
Đầm nuôi trồng thuỷ sản của Đoàn Văn Vươn đã được bàn giao cho chủ hộ mới.

Nhận thấy đây là con đường thoát nghèo ở một vùng quê nông nghiệp, nhiều người nông dân khác cũng tiến hành làm thủ tục thuê đầm để nuôi trồng thuỷ sản, và được UBND huyện cho thuê đất với mức tiền 140.000 đồng/ha/1 năm.


Đỉnh điểm của sự phát triển trong phòng trào làm kinh tế này, các chủ đầm đã thành lập Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, trực thuộc Thành hội Nghề cá Hải Phòng.


Ông Đoàn Văn Vươn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên chi hội; ông Lương Văn Trong – phó chủ tịch, ông Vũ Văn Luân – thư ký.


Trong tổ chức nghề này, ông Vươn, ông Trong, ông Luân là ba hội viên được đánh giá là xuất sắc nhất, về quy mô diện tích và mô hình sản xuất.


Thế nhưng, phong trào này cũng chỉ “phất” lên được vài ba năm. Đến khoảng giữa năm 2004, đồng loạt các chủ đầm đều nhận được thông báo về việc thu hồi giao đất hết thời hạn của UBND huyện Tiên Lãng.


Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà các chủ đầm đã đầu tư hàng tỷ đồng vào đầm bãi, và chưa thu hồi đủ vốn.


Kèm theo QĐ thu hồi đất của huyện là thông báo yêu cầu các chủ đầm dừng đầu tư vào đầm bãi.


Ông Vũ Văn Luân, chủ thuê hàng chục ha đầm nuôi trồng thuỷ sản tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: “Từ khi nhận được thông báo trên, tất cả anh em trong hội đều không dám tiếp tục đầu tư, vì huyện cho biết sẽ thu hồi mà không đền bù. Từ đó đến nay (năm 2004), các chủ đầm chỉ đánh bắt, khai thác thủy sản tự nhiên, được con gì hay con đó, chủ yếu là chăn nuôi gà, vịt… và trồng cây ăn quả. Hàng trăm ha đầm đã được đầu tư hạ tầng mà không dám nuôi trồng thuỷ sản, xót xa lắm!”.


Danh sách các chủ đầm bị thu hồi rất dài, bao gồm gần 20 hộ, trong đó tập trung ở các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, bao gồm: chủ đầm Lương Văn Trong (30ha, xã Đông Hưng); Hoàng Văn Tin (23ha, xã Tây Hưng); Vũ Văn Chiêng – 7ha; Vũ Văn Tụy (50ha, xã Đông Hưng); Lương Văn Ná (19ha); Lương Văn Tảnh (6ha); Lương Văn Cường (3,5ha); Hoàng Văn Đỏ (7ha); Nguyễn Trọng Chính (7ha); Trần Đình Thảo – 6ha; Hoàng Văn Hùng (7ha, xã Tây Hưng); Nguyễn Bá Đọ (8ha); Vũ Tiến Dũng (8ha); Lương Văn Hẩy (8ha); ông Sáu Cảnh (23ha); Nguyễn Văn Tiêu (xã Vinh Quang, 9ha)…


Hải Phòng sẽ cưỡng chế thu hồi nhiều đầm!?
Ông Lương Văn Trong – chủ của 30ha đầm đang nằm trong diện thu hồi.
Ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ rầu rĩ: “Tiền đầu tư cống rãnh, bờ đầm bờ thửa, làm cống thoát nước, làm chòi canh… mỗi hội viên tối thiểu cũng hàng trăm triệu đồng đổ xuống.

Những hộ quy mô lớn vài chục ha như của tôi và anh Luân, anh Vươn… phải tính đến tiền tỷ. Vốn chưa thu hồi được mà đã bị huyện đòi không bồi thường, thì rõ ràng, những người được giao tiếp nhận lại đất đầm của chúng tôi, họ được hưởng không. Điều này là quá vô lý!”.


Cũng theo ông Trong, trước đây, thời điểm những năm 2000 khi làm ăn ổn định, một năm hộ của ông cũng thu được vài trăm triệu từ việc nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích 30ha đầm ông thuê.


“Nhà nước giao đất, giao rừng trồng cây lâu năm, cây ăn quả hay nuôi trồng thuỷ sản, thời hạn theo tôi được biết tối thiểu là 20 năm, còn không cũng là 50 năm. Có như thế hộ nông dân mới dám đầu tư lâu dài và có thời gian thu hồi vốn. Thời hạn mà huyện giao cho chúng tôi là quá ngắn. Không ai có thể thả cá rồi một vài tháng sau đã được thu hoạch cả”.


Khi được hỏi, tại sao Liên Chi hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ của huyện Tiên Lãng - tổ chức bảo vệ quyền lợi của các hội viên, không thể hiện vai trò của một tổ chức hiệp hội, ông Trong than: “Từ năm 2004 khi huyện có thông báo thu hồi, anh em đều chán nản cả”.


Điều mà một phó chủ tịch hội như ông Trong làm được, đó là họp bàn anh em, đồng thuận phương án tất cả đều xin huyện cho thuê tiếp theo đúng trình tự, thủ tục, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, bởi vì tất cả mọi người đều có nhu cầu thực sự!


Cũng như nhiều hội viên khác, nhiều ngày nay, ông Trong đều sốt vó lo lắng và chờ đợi đến lượt khu đầm của mình bị thu hồi, bởi vì thông tin ông có được thì gần 400ha diện tích đầm bãi của hơn 20 hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Tiên Lãng đều đã có thông báo thu hồi không đền bù.


Số diện tích đầm bãi sau khi thu hồi, vẫn được tiếp tục giữ nguyên mục đích chứ không chuyển đổi sang mục đích khác.


Sẽ có thêm nhiều vụ cưỡng chế?


Nguyên PCT UBND huyện Tiên Lãng: “Việc thu hồi không đền bù là không đúng, nó ác quá!”


Văn bản số 1 ngày 27/5/2009 của Liên chi hội Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng trích lời ông Trần Đình Sắc, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng phụ trách kinh tế: “… việc thu hồi đất không bồi thường cho các cậu (các chủ đầm – p.v) là không đúng, nó ác quá. Đất của các cậu không thuộc diện giao về xã quản lý!”.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại Tiên Lãng vào ngày 10/01/2012, một nguồn tin cho hay: sáng 11/01/2012, lực lượng chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế một khu đầm khác của hộ anh Vũ Văn Luân. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chế này sẽ được giữ kín.

Buổi sáng ngày 11/1/2012, chủ đầm Vũ Văn Luân cho biết: có một nhóm người đã ra khu vực đầm bãi của anh – khu vực trong diện cưỡng chế, tất cả đều mặc thường phục. Khi biết anh Luân từ đầm đi về nhà (nhà anh Luân ở trong làng), nhóm người này đã bỏ về.


Có thông tin từ các chủ đầm, UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế thu hồi đầm của anh Đoàn Văn Vươn và Vũ Thế Luân trước. Sau đó, lần lượt sẽ đến các hộ khác đã có thông báo thu hồi theo QĐ thu hồi đầm hết hạn sử dụng từ năm 2004 sẽ được xử lý.


Cũng giống như trường hợp Đoàn Văn Vươn, anh Vũ Văn Luân nhận được QĐ thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng tại khu vực xóm Vam, xã Vinh Quang. Không đồng tình với QĐ thu hồi này, Vũ Văn Luân đã có đơn khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng.


Ngày 19/11/2009, TAND huyện Tiên Lãng xét xử công khai vụ kiện hành chính.


Ngày 28/9/2009, TAND huyện Tiên Lãng tiến hành hòa giải. Đại diện UBND huyện là ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN-MT đã thừa nhận: đất UBND huyện Tiên Lãng giao cho anh Luân là đất nông nghiệp.


Cho rằng thời hạn thuê đất nông nghiệp phải là 20 năm trở lên, ông Luân yêu cầu huyện hủy QĐ thu hồi và tiếp tục cho người dân được thuê đầm.


Bị TAND huyện Tiên Lãng bác yêu cầu, Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân cùng kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng.


Tòa án TP tổ chức cho hai bên thỏa thuận, đại diện của UBND huyện hứa hẹn nếu rút đơn sẽ cho thuê tiếp nên nguyên đơn rút đơn.


Tuy nhiên, sau nhiều lần làm đơn xin thuê tiếp họ vẫn không được huyện chấp nhận. Tháng 11-2011, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất.


Anh Luân bức xúc: “Biên bản thỏa thuận tại Tòa án TP Hải Phòng, đại diện UBND huyện nói sẽ tiếp tục cho thuê nên chúng tôi rút đơn. Chúng tôi tin văn bản thỏa thuận có chữ ký của các bên và chữ ký của thẩm phán là có giá trị pháp lý. Tòa nói biên bản thỏa thuận không có giá trị thì hóa ra chúng tôi bị lừa à?”.


Hiện tại, ngoài diện tích đầm của Đoàn Văn Vươn đã bị cưỡng chế, đầm của Vũ Văn Luân cũng đã nhận được QĐ cưỡng chế nhưng chưa có thông báo về thời gian cưỡng chế.



Con đường dẫn ra khu đầm cồng Rộc (xã Vinh Quang).

“Sẽ có thêm nhiều vụ cưỡng chế để thu hồi đất sẽ xảy ra, nếu như các chủ đầm vẫn kiên quyết không chấp nhận các QĐ thu hồi mà UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành. Con số này là hơn 20 hộ” – thông tin từ một chủ đầm tại Tiên Lãng cho biết.


Khi phóng viên liên lạc với ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để tìm hiểu về việc, huyện có tiếp tục dùng biện pháp cưỡng chế đối với những hộ không thực hiện bàn giao theo QĐ thu hồi đất của UBND huyện hay không, nhưng ông Hiền đã không trả lời.


“Xin nộp thuế cũng không được!”

Chủ đầm Vũ Văn Luân khẳng định: trong nhiều năm qua, các chủ đầm đã nhiều lần đi nộp thuế nhưng không được thu. Họ làm đơn đề nghị được nộp thuế nhưng Chi cục Thuế huyện trả lời không thể thu được nên lâu nay họ đành chịu tiếng không làm nghĩa vụ với Nhà nước.


Về thời hạn giao đất không cố định của huyện (dao động từ 4 đến 14 năm), các chủ đầm đã nhiều lần đề nghị UBND huyện giao đất theo đúng thời hạn 20 năm theo quy định của Luật Đất đai nhưng không được xem xét.


Huyện căn cứ vào thời hạn trong quyết định giao đất, cứ đến hạn là thu trắng, không bồi thường cũng không cho thuê lại.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24