Hy vọng dự án công nghiệp công nghệ cao tạo động lực phát triển kinh tế, dịch vụ, việc làm mới cho cả khu vực. Khi hai xã quyết tâm GPMB cho dự án, sau 4 năm chỉ thấy doanh nghiệp chở đất, cát san lấp mặt bằng rồi để đấy.
Nao nức đón chờ doanh nghiệp công nghệ cao
Ngày 10-1-2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư cho phép thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất may mặc và túi xách. Đây là dự án của nhà đầu tư Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc), tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Người đại diện là ông KI HAK-SUNG, quốc tịch Hàn Quốc đã đăng ký thực hiện dự án với quy mô sản xuất kinh doanh hàng dệt may 8.500.000 sản phẩm/năm và sản xuất kinh doanh túi xách 500.000 sản phẩm/ năm.
Dự án xin thuê tỉnh Hải Dương 414.478 m2 đất (chủ yếu là đất lúa). Tổng số vốn đầu tư 1.056 tỷ VN đồng (tương đương 48 triệu USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 264 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Về tiến độ thực hiện dự án, tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động trong vòng 60 tháng (từ năm 2017 đến hết năm 2022). Theo đó tỉnh phân định giai đoạn theo năm, với từng công trình, quy mô cụ thể. Năm thứ nhất xây dựng 2 xưởng, thực hiện sản xuất với quy mô 600.000 sản phẩm/năm… Đến năm thứ 5 xây dựng 4 xưởng nâng quy mô lên 6.200.000 sản phẩm/năm và đạt công suất thiết kế từ năm thứ sáu. Trong 5 năm xây dựng 16 xưởng sản xuất và các công trình phụ trợ đi kèm.
Sau hơn 4 năm từ cổng chính, dự án chưa xây dựng công trình nào
Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên UBND tỉnh Hải Dương đã cho doanh nghiệp này hưởng các chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với dự án như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất; ưu đãi thuế nhập khẩu, xuất khẩu…
Để triển khai các phần việc và hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… của Việt Nam, ngày 3-3-2017, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương, do YMSA Co.Ltd làm chủ sở hữu, mã số doanh nghiệp là 0801206676, người đại diện là ông JINKOOK KIM, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng Giám đốc.
Với thủ tục pháp lý bài bản, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện, lãnh đạo hai xã Cao Thắng và Tứ Cường đã vận động nhân dân nhường đất lúa cho Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương xây dựng nhà xưởng. Hy vọng Dự án công nghiệp công nghệ cao tạo động lực phát triển kinh tế, dịch vụ cho cả khu vực; con em trong xã và các địa phương lân cận có việc làm mới.
Tuy nhiên khi hai xã quyết tâm GPMB cho dự án thì chỉ thấy doanh nghiệp chở đất, cát san lấp mặt bằng rồi để đấy? Chính quyền và bà con trong xã hết sức sốt ruột. Mới đây doanh nghiệp lại tới trình UBND xã Quyết định mới về Chủ trương đầu tư điều chỉnh ngày 20-8-2020 của UBND tỉnh cho việc xây dựng Nhà máy sản xuất may mặc và túi xách Công nghệ cao Hải Dương.
Theo quyết định này thì người đại diện theo pháp luật là người Việt Nam, không còn người Hàn Quốc. Doanh nghiệp này xin phép được tiếp tục hoàn thiện san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng. Tuy nhiên doanh nghiệp này chưa trình giấy phép xây dựng cho chính quyền địa phương. Rõ ràng việc đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất may mặc, túi xách Công nghệ cao Hải Dương đã bị chậm trễ, người dân bức xúc không hiểu do đâu? - Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng chia sẻ.
4 năm sau biến thành doanh nghiệp trong nước
Làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, chúng tôi thật bất ngờ, qua 4 năm dự án đi vào hoạt động, từ doanh nghiệp ban đầu là Công ty TNHH của người Hàn Quốc, 100% vốn đầu tư của nước ngoài thì giờ đây Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương đã trở thành Công ty Cổ phần May Công nghệ cao Hải Dương do ông Bùi Văn Khuynh, quốc tịch Việt Nam là người đại diện theo pháp luật, làm Tổng Giám đốc, không còn người đại diện là ông JINKOOK KIM như ban đầu? Không chỉ có vậy, trong 4 năm doanh nghiệp đã thay đổi tới 4 lần người đại diện công ty và cũng thay đổi cả tên tổ chức chủ sở hữu doanh nghiệp. Trong đó thay 2 người đại diện Hàn Quốc, 2 người Việt Nam.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho rằng doanh nghiệp này vẫn hoạt động đúng luật. Tuy nhiên, trên thực tế thì doanh nghiệp thực chỉ còn mang vỏ cũ, thực chất đã bị biến tướng thành loại hình khác. Từ một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, nay trở thành doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước. Không còn một ai trong công ty là người nước ngoài, không còn đồng vốn nào của người nước ngoài, thậm chí được đổi từ Công ty TNHH thành công ty cổ phần với các cổ đông hoàn toàn khác. Song Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương vẫn cho rằng doanh nghiệp này đang hoạt động từ đầu chỉ với 1 mã số 0801206676? Vậy dự án này liệu có thực còn là doanh nghiệp cũ?
Có thể thấy, bà con 2 xã Cao Thắng và xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện nhường đất lúa cho doanh nghiệp may công nghệ cao vào hoạt động. Thế nhưng giờ đây không còn nhà đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư chính giờ đây là một nhà thầu xây dựng, chưa từng tham gia dự án sản xuất, kinh doanh may mặc nào.
Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu dự án có còn xây dựng được cơ sở công nghiệp công nghệ cao; liệu có xây dựng được dự án theo tiến độ UBND tỉnh Hải Dương đã hoạch định? Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ hoạt động của Dự án Nhà máy xản xuất hàng may mặc và túi xách của Công ty Cổ phần May Công nghệ cao Hải Dương; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác quản lý, thẩm định, chuyển đổi doanh nghiệp, quá trình thực hiện của dự án này ở Cụm Công nghiệp Cao Thắng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: