Tháo chạy khỏi bất động sản
Giờ đây đi khắp các thành phố lớn từ ở khu vực miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên ta dễ dàng bắt gặp các tòa nhà của Hoàng Anh Gia Lai. Hầu hết trong số đó là chung cư, khách sạn, khu đô thị, văn phòng cho thuê hoặc các khu phức hợp. Đã có một thời HAGL được xem là “đại gia” trong giới bất động sản Việt Nam với rất nhiều dự án lớn. Thực tế từ năm 2012 trở về trước phần lớn tài sản, doanh thu và lợi nhuận chính của Tập đoàn này là từ lĩnh vực bất động sản.
Vào thời “hoàng kim” của mình các dự án bất động sản của HAGL đã mọc lên khắp nơi. Một trong những điểm làm nhiều người nhớ đến HAGL chính là một số dự án của Công ty bị “đại hạ giá”. Cụ thể, Hoàng Anh River View tọa lạc tại phường Thảo Điền, quận 2, do Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) làm chủ đầu tư đã giảm giá bán từ mức 2.300 xuống chỉ còn xuống còn 1.350 USD mỗi m2. Chưa dừng lại ở đó giá nhà tại đây sau đó còn được giảm xuống chỉ còn 18 triệu mỗi m2.
Cú giảm giá sốc này đã gây lo ngại cho rất nhiều doanh nghiệp khác vì mức giá bán phổ biến của các dự án xung quanh đó lên tới 25 đến 30 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là một tín hiệu cảnh báo mạnh cho sự đi xuống của thị trường bất động sản. Thực tế ngay sau “phát súng” giảm giá của các dự án HAGL thì nhiều chủ đầu tư khác cũng đồng loạt giảm giá. Đây cũng là giai đoạn trầm lắng nhất của thị trường bất động sản.
Tiếp sau việc giảm giá thì HAGL cũng gây sốc cho nhiều người khi tuyên bố từ bỏ kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty thì "Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường bất động sản Việt Nam vì càng làm càng lỗ". Ông Đức cũng cho rằng “Thị trường bất động sản trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi thì Hoàng Anh Gia Lai lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài.
Ảnh minh họa.
HALG đã có một quyết định khá táo bạo khi tách nhiều mãng kinh doanh bất động sản của Tập đoàn này ra thành một công ty riêng hoàn toàn độc lập với công ty mẹ. Cụ thể, cuối năm 2013 HALG đã thực hiện việc tái cấu trúc bằng tách mảng kinh doanh được xem là yếu kém và rủi ro ra khỏi công ty mẹ. Hiện HAGL chủ yếu thực hiện mãng kinh doanh bất động sản tại Myanmar.
Bẻ lại sang nông nghiệp
Tiền thân từ nghề gỗ sau nhiều năm chuyển sang bất động sản giờ đây HAGL lại tập trung vào ngành nghề liên quan ít nhiều đến gỗ là trồng cao su, cây chà là, mía đường, chăn nuôi bò. Mảnh đất mà bầu Đức nhìn thấy tiềm năng vô cùng to lớn là Lào và Campuchia. Đây là 2 quốc gia láng giềng có diện tích đất rừng lớn, mật độ dân số thấp và rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Theo báo cáo của HAGL hiện doanh nghiệp này đã trồng được hơn 42.000 ha cao su tại Lào và Campuchia. Con số này khá lớn khi so sánh với tổng diện tích trồng cao su ở Việt Nam khoảng hơn 800.000 ha. HAGL đã đầu tư vào một diện tích cao su rất lớn và kỳ vọng “hốt bạc” sau khi giá cao su đạt đỉnh lên tới hơn 50.000 đồng/kg mủ tươi. Tuy nhiên, giờ đây giá cao su giảm đến 60-70% chỉ còn quanh mức 10.000 đến 15.000 đồng/kg mủ tươi. Điều này đồng nghĩa với số diện tích cao su có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng giờ đây đã giảm sút đáng kể. Không chỉ có vậy, gần đây có thông tin cho rằng HAGL còn phải chặt bớt phần diện tích cao su của mình.
Một trong những sự kiện nổi “đình đám” của HAGL là việc trồng mía tại Lào. Nhiều chuyên gia trong ngành mía đường “choáng váng” khi HAGL tuyên bố giá thành sản xuất đường của Công ty này chỉ khoảng 4.000 đồng/kg, mức này chỉ bằng 1/2 so với nước sản xuất đường lớn nhất thế giới và cũng là hiệu quả nhất thế giới là Brazil. Các nhà sản suất đường trong nước phải lo lắng vì mức giá này chỉ bằng 1/3 giá thành đường sản xuất ở Việt Nam. Sự kiện HAGL xin nhập khẩu đường về Việt Nam đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của Hiệp hội mía đường và tốn không ít giấy mức của báo chí. Thực tế, trong 2 năm vừa qua lợi nhuận từ mía đường đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của HAGL. Hiện HAGL đang tự trồng hơn 6.000 ha mía tại Lào, tổng diện tích mía HALG thu mua lên đến hơn 10.000 ha.
Đặc biệt mới đây HALG còn gây “sốc” khi xác định chăn nuôi bò là một trong những hoạt động kinh doanh chủ lực của doanh nghiệp. Báo cáo tại đại hội, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL Group cho biết, theo kế hoạch kinh doanh năm 2015 mà công ty này đặt ra, doanh thu thuần sẽ tăng 75% so với năm 2014, lên trên 5.340 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ nuôi bò thịt sẽ chiếm gần một nửa (46%), tương ứng với 2.475 tỉ đồng. Báo cáo còn cho biết thêm năm 2015, HAGL Group sẽ tăng thêm 13.000 con bò sữa, đồng thời xuất bán 60.000 con bò thịt. Đến cuối năm nay, dự kiến tổng đàn bò của doanh nghiệp này lên đến 100.000 con. Dự kiến đàn bò của HAGL tăng lên khoảng 300.000 con trong năm 2016.
Bên cạnh chăn nuôi bò thì HAGL còn sản xuất dầu cọ với dự kiến trồng thêm 13.000 ha trong năm nay. Đồng thời, công ty này cũng triển khai trồng 3.000 ha bắp trong năm nay tại Lào và Campuchia, chủ yếu để phục vụ thức ăn cho chăn nuôi bò.
HAGL đang áp dụng công nghệ cao vào việc phát triển nông nghiệp. Từ một doanh nghiệp không có “truyền thống” nông nghiệp hay nhiều ngành nghề khác, HAGL đã chọn những chiến lược táo báo và bước đầu đạt được hiệu quả. Hầu hết công nghệ HAGL sử dụng đều là công nghệ mới được tư vấn của các tổ chức, chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thế giới. Đó là cách nhanh nhất để triển khai các dự án vào thực tế.
Hiện mảng bất động sản của Tập đoàn này chỉ còn tập trung dự án tại Myanmar bao gồm khu trung tâm thương mại, khu văn phòng và khu khách sạn cho thuê. Năm 2015, bất động sản và xây dựng sẽ chiếm tỉ trọng lần lượt là 14% và 15%, tương ứng với 769 tỉ đồng và 785 tỉ đồng. Theo kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ lợi nhuận trước thuế của HAGL năm 2015 là 2.100 tỷ đồng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: