Đất làng thành “đất vàng”
Ông Nguyễn Tất Cương, Bí thư Đảng ủy UBND xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại phiên đấu giá ngày 17/9 vừa qua, 8/8 lô đất khu quy hoạch dân cư đồng Le Le, thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng được đấu giá thành công, thu về hơn 18,716 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm hơn 13,639 tỷ đồng. Đặc biệt, các lô đất đều đấu vượt trên 50 bước giá, trong đó có 3 lô: 07, 08, 09 vượt trên 54 bước giá.
Khu vực đất tại xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà bất ngờ tăng mạnh qua phiên đấu giá.
Cụ thể: Lô số 07 vượt 58 bước giá (28 triệu đồng/bước giá). Lô này có diện tích 200m2, giá khởi điểm 560 triệu đồng, đã được đấu giá thành công với 2,184 tỷ đồng. Lô 08, vượt 51 bước giá với 2,504 tỷ đồng. Lô 09, diện tích 214m2, giá khởi điểm 719 triệu đồng (35 triệu đồng/bước giá) được đấu lên 2,609 tỷ đồng (vượt 54 bước giá).
Theo ông Cương, đây là hiện tượng chưa từng có tại địa phương. Bởi, giá trị đất thực tế ở đây, đỉnh điểm nhất cũng chỉ tầm 8 - 9 triệu đồng/m2 cho khu vực gần trục đường huyện lộ; từ 300 - 700 nghìn đồng/m2 cho khu vực đất ở các khu dân cư, tùy vị trí trục đường liên thôn, liên xã.
“Chưa bao giờ đất tại địa phương lại tăng giá chóng mặt như vậy, đắt hơn nhiều so với khu vực thành phố. Khoảng một tháng trở lại nay, trên địa bàn xuất hiện rất nhiều xe ô tô về làng “lùng” mua đất. Trước thực trạng này, chính quyền đã cảnh báo, tuyên truyền, tránh tình trạng người dân bị cuốn theo vòng xoáy dẫn đến nhiều hậu quả khó lường”, ông Cương nói.
Sơ đồ 08 lô đất đấu giá tại thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà.
Tương tự, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá 03 lô ở vùng quy hoạch dân cư thôn Bình Minh, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng/m2. Quá trình đấu giá, các lô đất ở đây đều tăng lên từ 28 đến 40 bước giá (bước giá 10 triệu đồng). Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định, giá đất thực tế ở khu vực này chỉ vào khoảng 500 triệu đồng/lô.
Từ các phiên đấu giá đất tăng cao, nhiều vùng nông thôn ven trung tâm các huyện: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… giá đất thổ cư trong làng, ngõ xóm cũng tăng. Một lô đất vừa bán với giá 5 triệu đồng/m2, chỉ vài ngày sau lại được bán với giá 8 triệu đồng/m2, thậm chí 10 triệu đồng/m2.
“Sốt ảo" được tạo từ nhà đầu tư “lướt sóng”
Quá trình tìm hiểu nguyên nhân, bản chất thật sự của hiện tượng đất làng bỗng chốc trở thành “đất vàng” một cách bất thường tại Hà Tĩnh, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu lo ngại của nhiều cơ quan chức năng, chuyên môn.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh cho hay, thực tế thị trường bất động sản Hà Tĩnh tại các vị trí đất đẹp của trung tâm thành phố giá tăng không đáng kể, lượng người giao dịch không nhiều. Tình trạng giá đất cao bất ngờ chỉ xuất hiện tại các vùng đất đấu giá nông thôn với số lượng người tham gia rất đông.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Quỳnh, nguyên nhân giá đất chỉ tăng cao ở các vùng nông thôn ven thành phố là do đất rẻ, bước giá đấu thấp, các nhà đầu tư còn đủ “tầm” để theo, còn đất ở thành phố, một bước giá đấu rất cao, tầm 40 triệu đồng/bước giá.
Ông Quỳnh cho biết, thực tế, nhu cầu về đất ở tại Hà Tĩnh hiện nay chưa mạnh để đẩy giá lên cao mà chủ yếu do các nhà đầu cơ bắt tay nhau "thổi giá", "tạo sóng" để kiếm lợi nhuận. Hầu như đất trúng đấu giá đều là những nhà đầu tư ngắn hạn "lướt sóng" chứ người dân có nhu cầu thật sự thì không trúng, hoặc có thì tỉ lệ rất ít. Sau đấu giá, người dân có nhu cầu lại phải mua lại nhà đầu tư với giá cao. Cũng có trường hợp, nhiều người dân phải đấu với giá cao để quyết lấy bằng được trong khi đó chưa hẳn là giá trị thực của đất.
“Giá đất tại các vùng đấu giá tăng cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ thổi giá, làm giá, tạo "sóng ảo" ngắn hạn để tranh thủ kiếm lợi từ những người theo hội chứng đám đông. Hiện tượng này do các "làn sóng" đầu tư bất động sản ngoài Bắc tràn vào Hà Tĩnh. Nhất là thời điểm đầu năm nay, các tỉnh phía Bắc rộ lên "làn sóng" này. Hàng trăm lô đất được đẩy giá quá cao không thể bán được, nhiều nhà đầu cơ chấp nhận bỏ cọc với số tiền hàng trăm tỷ đồng”, ông Quỳnh cho hay.
Các chuyên gia cũng nhận định, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng thấp cộng với việc đầu tư ngắn hạn có thể mang lại lợi nhuận kinh tế tức thì, nên nhiều người dồn tiền chọn đầu tư vào đất.
Là cán bộ có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Long, Phó trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh nhớ lại: Trước đây, thời điểm từ đầu 2009 đến cuối 2010 giá đất Hà Tĩnh cũng tăng vùn vụt, đến đầu 2011 giảm. Từ 2017 tăng lên dần cho đến đầu nửa 2020, đến 2021 thì tăng nhanh.
“Những năm 2010, đất sốt đến mức, những người “cò” đất như hiện nay không cần phải đi xem đất mà chỉ ngồi một chỗ giao dịch. Đến cuối 2011, đất bất ngờ "hạ nhiệt", không bán được, nhiều người lỡ “ôm” quá nhiều, nợ ngân hàng lên con số hàng chục tỷ đồng. Nhiều người trước là “đại gia”, bỗng chốc vỡ nợ phải bán tống bán tháo toàn bộ bất động sản, tài sản, nhà cửa bỏ đi”, ông Long kể lại.
Cơn sóng "sốt đất ảo" chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn, còn giá đất tại khu vực Tp.Hà Tĩnh hiện tăng không đáng kể.
Làn sóng sốt đất ảo đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đất ở của người dân, xáo trộn thị trường, môi trường đầu tư; ảnh hưởng lớn các dự án giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách kinh tế xã hội của địa phương trong tương lai gần, gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã phát cảnh báo đến người dân không chạy theo cơn sốt ảo, vay tiền đầu tư.
“Chính quyền địa phương đã làm việc với công an huyện để có phương án tuyên truyền, cảnh báo kịp thời đến người dân. Chúng tôi đang rất lo lắng trước tình trạng này. Làn sóng sốt đất ảo, khi "hạ nhiệt”, dễ vỡ nợ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Cái trước mắt, các địa phương tăng được thêm ngân sách nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, các chính sách, dự án của cả tỉnh”, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà chia sẻ.
Hệ lụy từ cơn sóng đất ảo là nhãn tiền nhưng phương án để “hạ nhiệt” tình trạng này mới chỉ dừng lại ở việc chính quyền địa phương phát đi cảnh báo cho người dân. Ngành chức năng cho hay, các giải pháp lâu dài phải ở tầm vĩ mô, các chính sách xã hội, kinh tế và luật của các ngành, các cấp cao hơn vì đây cũng là tình trạng chung xảy ra tại không ít tỉnh, thành thời gian qua.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: