Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, trong tổng số 102 dự án có 194 ô đất (trên 147ha) xây dựng trường học, 188 ô (gần 122ha) xây dựng công trình công cộng, chỉ có 94 ô đất (75ha) hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng vẫn chưa xây dựng công trình trường học.
Trong số đó, 8 ô đất thành phố và chính quyền địa phương đang tiếp nhận bàn giao; 12 ô đất thành phố đã có chủ trương giao cho chủ đầu tư cấp 2 xây dựng công trình trường học; 73 ô đất do chủ đầu tư khu đô thị được giao xây dựng công trình trường học.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, cùng với việc kiểm tra, rà soát các dự án trong khu đô thị, khu tái định cư, thành phố đã thu hồi 4 khu đất với diện tích 2,2ha do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nhưng chậm triển khai để xây dựng trường học công lập.
Cụ thể, thành phố đã thu hồi 1.560m2 đất của Công ty Phát triển Hà Nội Cali hữu hạn thuê tại số 53 phố Lê Đại Hành, giao cho Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng xây dựng trường mầm non công lập; 367m2 đất của Công ty cổ phần Đồng Tháp, giao Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm xây dựng trường tiểu học Nguyễn Du; 4.302m2 đất của Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà, giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm xây dựng trường mầm non Yên Viên; 15.743m2 đất tại ô đất NT, TH1 thuộc khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng của Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp (đại diện Liên danh là Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và Công ty cổ phần Tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội), giao cho Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy quản lý chống lấn chiếm và lập dự án đầu tư xây dựng trường công lập.
Thành phố đã quyết định thu hồi 4 khu đất của các doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất để xây dựng trường học trên địa bàn 4 quận nội thành với diện tích 0,7ha tại 63 Ngõ Quỳnh, 66 Vân Hồ 3 (quận Hai Bà Trưng), dự kiến xây dựng Trường mầm non Thanh Nhàn, cơ sở 1 và Trường mầm non Lê Đại Hành; 229 phố Tây Sơn, 102 đường Trường Chinh (quận Đống Đa), xây dựng Trường mầm non Ngã Tư Sở và Trường mầm non Phương Mai. Ngoài ra, còn có 2 khu đất phải di dời cơ sở sản xuất là nhà máy rượu Hà Nội (94 Lò Đúc) và Nhà máy dệt kim Đông Xuân (67 Ngô Thì Nhậm).
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, năm 2014, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và các chủ đầu tư tập trung kiểm tra, thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và công trình công cộng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo đó, thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát mạng lưới xây dựng trường học, đề xuất địa điểm xây dựng trường học công lập trên địa bàn các quận, huyện.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, kiểm tra đối với ô đất đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố thu hồi giao Ủy ban Nhân dân các quận, huyện lập dự án đầu tư xây dựng trường học công lập hoặc lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án.
Thành phố đặc biệt lưu ý Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh kiểm tra các dự án đã được giao đất. Các quận, huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, chủ động đề xuất sử dụng quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các khu đất chậm triển khai, đề xuất báo cáo thành phố xem xét, thu hồi./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: