Một trong số đó là việc thực hiện Nghị quyết số 30/2013/QH13 của Quốc hội về việc “bảo đảm đến 31/12/2013 căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.”
Đây cũng được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố Hà Nội trong năm 2013. Vướng mắc nổi bật, đang là trở ngại chính để hoàn thành chỉ tiêu đạt 95% trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện và đạt 85% diện tích sử dụng trở lên đối với các loại đất chính của thành phố đó là việc cấp sổ đỏ cho các hộ chung cư trên địa bàn Thủ đô.
Nhiều vướng mắc
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 223 dự án đã được thành phố giao đất với tổng số 216.580 căn (chung cư và thấp tầng), trong đó có 112.150 căn đã xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà. Thành phố đã cấp 30.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, còn lại 82.150 căn chưa cấp do vướng mắc và chưa kê khai lập hồ sơ cấp giấy; 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng.
Có 3 nguyên nhân khiến nhiều chung cư hiện nay chưa thể cấp được sổ đỏ đó là việc ký hợp đồng mua bán nhà thường do các công ty con, hoặc công ty thứ cấp tại các dự án nhà ở thực hiện. Đối với trường hợp này, chủ đầu tư thứ cấp chưa có quyền sử dụng đất, nên không thể làm sổ đỏ cho người dân.
Thứ hai, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng công trình và đã bàn giao nhà cho người mua.
Thứ ba là tổ chức được Nhà nước giao đất làm dự án nhưng không xây dựng nhà ở để bán mà đã chuyển cho cán bộ công nhân viên khác, không có hợp đồng chuyển nhượng với từng cá nhân mà thông qua cơ quan. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, sai lệch giấy phép xây dựng, tự ý thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi hệ số sử dụng đất, quy mô công trình... nên việc áp dụng theo quy định hiện hành thì chưa thể cấp sổ đỏ cho người mua nhà.
Lấy ví dụ như dự án Khu chung cư Happy House Garden của Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 3 (HUD 3), dù đã bàn giao căn hộ từ cuối năm 2010 và 100% số hộ dân đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.
Hay tại dự án khu đô thị mới Trung Văn, huyện Từ Liêm, nhiều hộ dân nhà CT1 đã đến Văn phòng Đăng ký đất và nhà Hà Nội để nộp hồ sơ đề nghị cấp đỏ thì được được biết, tòa nhà CT1 này do xây dựng không theo đúng thiết kế, vi phạm quy hoạch nên chưa được cấp sổ đỏ.
Đáng lưu ý, từ tháng 3/2013, mặc dù Văn phòng Đăng ký đất và nhà Hà Nội đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư xin ý kiến của Sở Xây dựng về hướng xử lý vi phạm trên nhưng 6 tháng trôi qua, cơ quan chức năng chưa nhận được thông tin gì từ phía chủ đầu tư nên việc cấp sổ đỏ cho người dân vẫn phải chờ đợi…
Gỡ nút thắt
Công văn số 327/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận được coi như một một cách gỡ nút thắt để Hà Nội “gỡ vướng” trong cấp sổ đỏ, nhất là đối với sổ đỏ chung cư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, căn cứ chỉ đạo tại công văn này, Sở đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà theo hướng: trường hợp chủ đầu tư đã hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai (hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và đã nộp tiền sử dụng đất) nhưng xây dựng nhà ở vượt diện tích mặt bằng so với thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng được cấp thì kiểm tra xử lý đối với phần diện tích sai phạm.
Trường hợp diện tích xây dựng vi phạm được phép tồn tại thì chủ đầu tư phải nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính tại thời điểm giao đất. Đối với trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai và chưa nộp tiền sử dụng đất, đã xây dựng nhà và bàn giao nhà ở cho người mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà ở thì Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét quyết định công nhận việc sử dụng đất để thực hiện dự án của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nộp số tiền sử dụng đất theo chính sách giá đất tại thời điểm hoàn thành công trình.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở đã thông báo đến tất cả các chủ đầu tư để tiến hành kê khai. Sau khi thông báo đến lần thứ 3, nếu chủ đầu tư vẫn không thực hiện kê khai thì thành phố sẽ thanh tra, xử lý, xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô, Nghị định 105. Thành phố vẫn tiếp nhận trực tiếp những hồ sơ lẻ không cần thông qua chủ đầu tư đối với các trường hợp người dân mua nhà ở các dự án phát triển nhà.
Thành phố cũng đang cố gắng tập trung nhân lực, vật lực, trang thiết bị… để hoàn tất cấp giấy chứng nhận cho 80.000 căn hộ đang tồn đọng hiện nay nhưng cũng phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, có sự phối hợp của chủ đầu tư với cơ quan chuyên môn là ngành tài nguyên-môi trường.
Như vậy, lo lắng của hàng trăm nghìn hộ dân thủ đô đã bước đầu được giải tỏa và "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách đã được "gỡ", các cơ quan chức năng của thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp và xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho người dân và tính nghiêm minh của pháp luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: