Hà Nội đề nghị, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh thì cho phép sử dụng tạm thời, có thời hạn vào mục đích khác
Hôm qua (7/1), phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Phó Chủ tịch Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, từ năm 2009 đến năm 2013, các sở, ngành chức năng của Thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 925 dự án, kết quả cho thấy, có 39 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng khởi công chậm quá 12 tháng và chậm hoàn thành dự án quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt mà không có lý do chính đáng.
Trong khi đó, có tới 291 dự án chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm triển khai; 100 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính và 595 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng cho biết, sau khi tổ chức thanh, kiểm tra, Thành phố đã ra quyết định thu hồi đối với 47 dự án., trong khi đó, 266 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Số dự án còn lại, Thành phố đang tiếp tục thanh tra theo quy định.
Để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng dự án treo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh kiến nghị, đối với dự án chủ đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện, kể cả các dự án đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng dở dang thì cho phép thỏa thuận với các đơn vị khác để chuyển nhượng lại dự án hoặc liên doanh liên kết thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết đó phải được chấp thuận của UBND Thành phố.
Đối với dự án đã giải phóng mặt bằng xong, nay do điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, không còn năng lực thực hiện chờ chuyển nhượng dự án… ông Khanh đề nghị, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh thì cho phép sử dụng tạm thời, có thời hạn vào mục đích khác. Việc sử dụng tạm này cũng phải được chấp thuận của UBND Thành phố, đồng thời phải thực hiện nộp ngân sách các khoản nghĩa vụ tài chính phát sinh liên quan đến khoản thu này.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy định tiêu chí, quy trình, thủ tục, nguyên tắc gia hạn tiến độ sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, quy định về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm luật đất đai. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng kết mô hình văn phòng đất đai 1 cấp để triển khai rộng ở các địa phương.
Về lĩnh vực môi trường, Phó Chủ tịch Thành phố cho biết, năm qua, Hà Nội đã xử lý dứt điểm 19/19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Để làm tốt hơn nữa công tác môi trường, Thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, trong đó nâng mức tổng chi sự nghiệp môi trường trong tổng dự toán chi ngân sách hàng năm, điều chỉnh, bổ sung các định mức chỉ đáp ứng việc thực hiện các nhiệm vụ chỉ trong lĩnh vực môi trường.
Liên quan đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, năm 2013, Hà Nội đã cấp được 82.123 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đạt 95% kế hoạch. Đây là một nỗ lực rất lớn của Thành phố.
Dự kiến, năm 2014, Thành phố tiếp tục cấp tối thiểu 2000 giấy chứng nhận cho các tổ chức, cấp 45.573 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân, trong đó có 40.000 giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố đã xây dựng xong.
Năm tới, Thành phố cũng sẽ rà soát, xử lý cấp Giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với 144.011 thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận do các nguyên nhân như: có nguồn gốc sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền; nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng; vi phạm pháp luật đất đai đã bị tòa án quyết định xử lý hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát, kết luận của Thanh tra các cấp và Quyết định xử lý hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến nay chưa xử lý được.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: