Cách đây khá lâu, có người đã viết thư ngỏ gửi đăng lên báo hoan nghênh "Kiến trúc sư trưởng” thành phố Hà Nội. Và hy vọng công việc quy hoạch, kiến trúc, xây dựng Thủ đô sẽ đồng bộ, hoàn chỉnh, văn minh, hiện đại hơn…
Giao thông Hà Nội, ảnh: Lê Hương
Đến nay, trên thực tế, Hà Nội đã xây dựng được một số khu đô thị mới văn minh, hiện đại như: Vincom Village (thuộc địa bàn quận Long Biên), hay Đại Thanh (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì)… Về giao thông thành phố cũng tiếp thu ý kiến các chuyên gia đề xuất, xây dựng được khá nhiều nút giao thông bán hoàn chỉnh-có cầu vượt nhẹ (thích hợp trong phạm vi các khu đô thị cũ cải tạo), góp phần hạn chế tắc đường, "kẹt” phố. Và đã "xóa cua tay áo” giao lộ Nguyễn Khánh Toàn-Đào Tấn (bằng cách hạ cốt-cao độ 1 đoạn đường Bưởi). Về cung cấp nước sạch, đã giải quyết được trong khu vực nội thành, kể cả cư dân quận Long Biên (phía bờ bắc sông Hồng) cũng có nước máy. Về y tế, thành phố đã cho xây dựng Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec hiện đại (bệnh viện khách sạn 5 sao) ở 458 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội, bên công viên Nghĩa Đô về phía phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy)...
Tuy nhiên, dư luận băn khoăn nếu thành phố Hà Nội đầu tư tuyến đường cao tốc chạy "trên không gian” Mai Dịch-Linh Đàm có lợi về giao thông, nhưng rất có hại về môi trường hai bên. Làm toàn bộ những dãy nhà, căn hộ dân chung cư Thanh Xuân Bắc (bên đường trên cao) sẽ ở trong tình trạng mở cửa ra thì không chịu nổi, vì tiếng ồn và khói bụi của xe cộ, đóng cửa vào thì bị bưng bít không khí trong nhà.
Trái lại, ở 2 khu vực: Cầu Mới-chợ Thượng Đình và phường Thanh Xuân Trung bên 2 đường Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), xây dựng chen chúc trung tâm thương mại ngầm, trung tâm thương mại nổi, cùng những chung cư cao tầng, khiến cho khu dân cư và đường phố ở đấy gia tăng quá mức mật độ người, cùng phương tiện giao thông. Còn yếu kém về thoát nước nội thành, ngập đường phố khi mưa và việc để cho nước bẩn thải thẳng-trực tiếp xuống sông, hồ thì đã tồn tại quá lâu...
Phải chăng UBND thành phố Hà Nội ngoài "Kiến trúc sư trưởng” ra, còn cần "Tổng công trình sư” để bao quát, quán xuyến toàn diện về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông, thoát nước… và tránh tình trạng đầu tư chắp vá.
Sau đây là những vấn đề và kiến nghị cụ thể. Tuyến đường trục cao tốc Nhật Tân-sân bay Nội Bài, nếu không có khoảng cách hành lang an toàn 2 bên đường, "điếc không sợ súng”, cho quy hoạch kiến trúc, xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi hành lang an toàn, thì tuyến đường cao tốc này sẽ thất bại hoàn toàn, biến thành đường phố (Nhật Tân-sân bay Nội Bài). Đặc biệt, nếu làm đường trên cao cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, phải tính đến khoảng cách với các khu nhà dân cư phù hợp-không ảnh hưởng xấu đến môi trường hai bên đường. Tiếp tục xóa cua tay áo giao lộ Hoàng Quốc Việt-đường Bưởi. Các nút giao thông lớn, đang còn diện tích đất như giao lộ Cổ Linh đường vào cầu Vĩnh Tuy (thuộc quận Long Biên), quốc lộ 5-đường dẫn trên cao cầu Thanh Trì… cần được đầu tư dự án xây dựng cải tạo "ra tấm, ra miếng” thành những giao lộ không gian hoàn chỉnh.
Một số bệnh viện xây mới nên ra ngoại thành. Những bệnh viện đã ổn định trong nội thành mà di dời ra ngoại thành là phản khoa học, bởi vì cấp cứu bệnh nhân đường xa dặm thẳm sẽ không tránh khỏi làm cho họ bị chết oan.