Thay mặt UBND tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Sỹ Lợi có công văn gửi báo chí và cho rằng, có một số báo điện tử đã đưa tin với nội dung “hàng trăm người dân Hà Nam phản đối cưỡng chế đất” là không đúng với bản chất vụ việc.
Theo ông Lợi, toàn bộ việc đền bù, hỗ trợ, GPMB, giao đất làm Khu công nghiệp Châu Sơn đã hoàn thành từ năm 2009. Đến năm 2011, một số người dân lại khiếu kiện, đã được tỉnh Hà Nam giải quyết thấu tính, đạt lý.
Người dân đi bộ dọc quốc lộ (Ảnh: thanhnien.com.vn) |
Ông Lợi cũng cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Châu Sơn từ năm 2003 đến năm 2009, chủ đầu tư đã thực hiện đền bù, hỗ trợ đầy đủ cho người dân có đất thu hồi theo các quy định của pháp luật tại từng thời điểm.
Người dân có đất thu hồi đã nhận đầy đủ tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và bàn giao đất cho chủ đầu tư.
Từ năm 2011, khi chủ đầu tư đang thi công xây dựng hạ tầng trên diện tích đất giải phóng mặt bằng, một số công dân trước đây có đất nông nghiệp thu hồi đã gửi đơn kiến nghị đòi đền bù thêm ngoài các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đền bù, GPMB, đồng thời tập trung đông người cản trở việc thi công xây dựng.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại gắn với việc xem xét giải quyết kiến nghị của người dân.
Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng xác định chi tiết kinh phí hỗ trợ, diện tích đất ở hỗ trợ cho từng hộ dân và đã thực hiện chi trả hỗ trợ tiền thóc (gần 90% số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ thóc), đồng thời đã quy hoạch, thông báo về việc giao đất hỗ trợ. Đã tổ chức nhiều lần đối thoại, giải thích để các hộ chấm dứt khiếu kiện.
Tuy nhiên, một số người dân (thuộc thôn Hưng Đạo, Thượng Hòa, phường Châu Sơn) do bị lôi kéo, kích động đã cố tình không hợp tác với chính quyền, không chấp nhận mức hỗ trợ trên mà đòi hỏi phải đền bù thêm và tiếp tục ngăn cản việc thi công của chủ đầu tư, gây mất an ninh trật tự tại Khu công nghiệp.
Để đảm bảo tiến độ thi công, UBND tỉnh Hà Nam đã giao cho UBND TP Phủ Lý và các ngành chức năng hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự để chủ đầu tư tiếp tục thi công hạ tầng từ ngày 7/1.
Ngay khi chủ đầu tư tổ chức thi công, có gần 100 người dân vào trái phép Khu công nghiệp cản trở việc thi công. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, những người dân này đã chấp hành và công tác thi công diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, sáng 9/1, khoảng 150 người dân bị lôi kéo, kích động, ép buộc đã tập trung đi bộ về Hà Nội (đi theo Quốc lộ 1A) với mục đích lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để tiếp tục kiến nghị, khiếu kiện, đưa ra các yêu cầu trái với chính sách quy định của pháp luật.
Trên đường đi, sau khi được đại diện cấp ủy, chính quyền đoàn thể tuyên truyền, giải thích, vận động, số người dân trên đã được đón trở về địa phương.
Tình hình đến nay đã cơ bản ổn định song chưa dứt điểm do các đối tượng cầm đầu khiếu kiện, các phần tử xấu vẫn tìm mọi cách kích động, lôi kéo.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo UBND TP Phủ Lý và các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật, vận động thuyết phục, đối thoại với người dân đồng thời chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật nắm chắc vụ việc, củng cố hồ sơ, kiên quyết xử lý theo pháp luật các đối tượng kích động, lôi kéo, gây rối trật tự công cộng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: