Chúng tôi thấy nét mặt ông Võ thoáng buồn và chúng tôi tin, sự quan tâm của ông không chỉ dừng lại ở một số câu hỏi mà nhiều người cho là khách sáo và quá muộn như vậy.
Đặt nhân dân vào trung tâm dự án
Trong phạm vi bản thân, tôi đi địa phương cũng nhiều, gặp dân cũng nhiều, đồng cảm cũng nhiều. Chưa biết là số dân gặp tôi chiếm bao nhiêu phần trăm những người bị thu hồi đất, dù một người cũng nên hỏi han cụ thể. Một trong những kiến nghị của tôi lên Bộ Tài Nguyên và Môi trường là thử tìm kiếm những giải pháp hợp lý để bù đắp thêm cho những người có thu nhập giảm sút sau khi bị thu hồi đất.
"Đặt nhân dân vào trung tâm dự án"
Những người dân nghèo cần được gắn sinh kế với sự phát triển của dự án đầu tư. Một số hỗ trợ sinh kế có thể là từ ngay lợi ích của dự án đầu tư. Đó là cách thức mà chúng ta có thể làm và nên thành một mô hình chung trong Luật Đất đai sửa đổi".
Tôi tin là nếu chúng ta thuyết phục người dân về lợi ích từ dự án thì chắc chắn được người dân ủng hộ. Các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã làm được phương thức gắn người bị mất đất với lợi ích từ đầu tư.
Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai cần lưu tâm tới cách thức này nhiều hơn, cụ thể hơn. Đây cũng là dịp làm đổi mới công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân bị mất đất nhìn rõ lợi ích từ dự án cho riêng họ", GS. Võ cho biết.
Vị GS cũng khẳng định: "Chúng ta không thể không thu hồi đất trong quá trình đầu tư phát triển. Không thu hồi đất thì gần như cả nước sẽ đứng yên trong một đất nước nông nghiệp lạc hậu. Nhưng việc thu hồi cần phải đảm bảo lợi ích lâu dài từ nhiều phía, trong đó có phía của những người dân mất đất. Đó cũng là chủ trương chính trị của Đảng ta về nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân bị thu hồi đất, nhà đầu tư và Nhà nước.
Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa cụ thể được chủ trương này. Chúng ta vẫn cứ để điều luật như một khẩu hiệu. Về hệ thống luật pháp đang có khiếm khuyết, chưa đảm bảo chế Nhà nước thu hồi đất phù hợp với lợi ích tương lai của người mất đất. Đó là những việc đổi mới phải làm và hoàn toàn có thể làm được".
Nói về lý do quyết định gặp người dân Văn Giang, ông Võ cho biết: “Tôi đồng ý gặp dân Văn Giang chỉ vì một lý do đơn giản thôi. Đó là người dân đặt câu hỏi về trình dự án cấp tập như vậy liệu có chuyện chạy dự án và vì lợi ích của nhà đầu tư không? Tôi muốn minh giải với bà con là không có chuyện đó vì một dãy các công việc từ năm 2003 khi có chủ trương cho đến khi dự án bắt đầu vào trước tháng 6/2004.
Đây là một sự cấp tập để đưa dự án vào cuộc sống, để thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như của TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên về kết nối vùng Thủ Đô hướng cầu Thanh Trì. Tôi làm việc luôn minh bạch, bị động chạm đến việc mình có tiêu cực thì tôi muốn chứng minh rằng không có tiêu cực. Đẩy nhanh dự án làm một nhiệm vụ đúng đắn đặt ra".
"Nhưng một cái lớn hơn rất nhiều, đó là tôi muốn lắng nghe xem bà con bức xúc ở những điểm nào, muốn thấy rõ một thực tế ở Văn Giang có bức xúc ở đâu. Bà con đã cho biết là có bức xúc về thiếu đất cho sinh kế thôi. Bà con có nói rằng muốn thu hẹp dự án đô thị Văn Giang lại thì lại là câu chuyện lớn về điều chỉnh quy hoạch đô thị vùng Hà Nội, tức là tầm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao. Cũng có thể đề xuất rà soát lại quy hoạch nhưng quả đây là vấn đề lớn của định hướng đô thị hóa", ông Võ nói.
Khi chúng tôi có nói đến việc một số người cho rằng việc làm của ông là để gây sự chú ý và thậm chí có người còn nói rằng ông “sám hối” với thái độ không mấy thiện chí. Ông Võ tâm sự: "Tôi nghĩ rằng mình nhận sai, nhận lỗi là chuyện rất bình thường. Để người dân quá bức xúc đối với việc có sự tham gia của mình thì cũng là có lỗi.
Về mặt con người, đó là văn hóa bình thường, đừng coi chuyện nhận lỗi là việc gì quá xa lạ. Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng việc người này xin lỗi người kia là khó khăn thì đấy là quan niệm riêng của mỗi người. Nhiều người viết đưa ra những thuật ngữ "tiền lệ", "hiện tượng", "sám hối", cũng có người còn cho là tôi "ngu", "kém", "không hiểu biết pháp luật", v.v.
Tôi cho rằng câu chuyện thực sự giản dị, trực tiếp hay gián tiếp mình làm cho ai đó buồn thì cũng nên xin lỗi, con người gần nhau hơn, thân tình hơn. Tôi với bà con Văn Giang nói chuyện với nhau như người dân với người dân, không có chuyện gì liên quan tới Nhà nước cả.
Khi có người dân nói về việc tôi có tiếp xúc với lãnh đạo Hưng Yên có tiêu cực, thì tôi cũng chỉ thoáng buồn, bởi tôi hiểu đó là do người dân bức xúc mà nói câu khó nghe. Nhưng tôi không cho rằng bà con nói những câu cạnh khóe tôi là có ác ý. Tôi không có làm chuyện gì khuất tất vậy cũng chỉ là thoáng buồn thôi, buồn vì tự ái do tôi vốn không phải là con người hay sa vào những chuyện vụ thực.
Còn về lời nói của luật sư đối với sự nghiệp khoa học của tôi thì tôi cho rằng đó là lộng ngôn, chắc không phải là luật sư bức xúc. Sự thực tôi không để ý vì sự nghiệp khoa học của tôi không phải chỉ do giới khoa học trong nước thừa nhận mà tôi được cả giới khoa học quốc tế thừa nhận.
"Tôi vẫn cho là những việc gì mình làm nếu có tác động tốt đến người khác thì nên làm. Rõ ràng, môi trường Facebook là môi trường tiếp cận được với rất nhiều người. Ở đó mình có thể trao đổi được, thậm chí là làm cho tính người cao hơn.
Tôi vẫn nói là tôi thích hoạt động báo chí vì mục đích nâng cao dân trí chứ không phải là thích lên báo. Nếu hỏi tôi nói rằng thích ngồi nhà uống rượu hơn hay thích tiếp xúc với báo chí, tôi trả lời ngay rằng thích ngồi nhà uống rượu hơn. Chọn cách sống nhàn vẫn khỏe hơn, nhưng trước cuộc sống thì tôi không thể chọn cách đó được.
Mình là con người, đang còn sức thì mình phải nghĩ cách làm thế nào cho cuộc sống này tốt hơn. Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao với những câu hỏi của những người tôi không quen biết trên Facebook mà tôi vẫn ân cần trả lời, tôi vẫn trả lời rằng con người luôn phải có trách nhiệm với nhau", ông Võ nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: