Nhận xét trên được Uỷ ban Kinh tế nêu tại phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6 khi đánh giá về kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra con số chứng minh nhận xét này. Đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt mới thực hiện được 13.100 tỷ đồng, tương đương 36,5% quy mô gói (35.880 tỷ đồng).
Tương tự, mới có 245 doanh nghiệp được vay để trả lương cho nhân viên nghỉ việc do Covid-19 thông qua gói vay 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng. Tức là tới giờ gói hỗ trợ này mới giải ngân được 0,26%.
Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng hiện cũng mới giải ngân được trên 12%. Theo đó, 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng được thụ hưởng từ gói này.
Theo ông Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ông đề nghị Chính phủ cần có đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng và đưa ra dự báo, kịch bản và đề xuất phù hợp, hỗ trợ hiệu quả hơn.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội
Theo thống kê, 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, đang khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản, nhưng chỉ 2% số này được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, báo cáo của Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội chỉ ra, các gói hỗ trợ cho phòng, chống Covid-19 chưa hiệu quả là do cơ quan chức năng chưa dự báo được đầy đủ tác động của dịch bệnh.
Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm sơ kết, đánh giá, báo cáo cụ thể với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ nhất về kết quả phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí cho phòng, chống dịch và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Giải trình thêm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, nhất là người lao động phi chính thức bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có nhiều, liên quan nhiều bộ, ngành nên chưa có sự tập trung. Chẳng hạn, chính sách về tiền tệ là do Ngân hàng Nhà nước đảm trách; chính sách về miễn, giảm thuế do Bộ Tài chính đề xuất, chính sách về người dân, người lao động do Bộ lao động thương binh và xã hội thực hiện...
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng tổng kết để rút kinh nghiệm. Nhưng trong lúc chờ đánh giá, tổng kết, Chính phủ tiếp tục đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhất là công nhân trong khu công nghiệp.
GDP 6 tháng dự báo đạt 5,8%
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo Chính phủ, cho biết 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát... trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại cuối tháng 4.
Quy mô GDP 6 tháng đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 5,8%. Với dữ liệu này, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu, kịch bản đề ra (6,22%), nhưng là mức tăng tích cực trong bối cảnh Covid-19 phức tạp hiện nay.
Nửa cuối năm 2021, Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép những tháng cuối năm, vừa chống dịch, vừa bảo vệ sức khoẻ người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội."Chính phủ sẽ sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vaccine và tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng", Bộ trưởng ngành kế hoạch nhấn mạnh.
Cùng đó, chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, nhất là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh...
Nói thêm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, đợt dịch lần thứ 4 phức tạp hơn do chủng virus mới và và len lỏi vào khu công nghiệp, khu sản xuất. Mức tăng trưởng 6 tháng đạt 5,8%, ông Khái nói là "nỗ lực rất lớn".
Trước tình hình dịch bệnh, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ không chủ quan, mà hết sức thận trọng và "đã lường trước các kịch bản có thể xảy ra để chỉ đạo sát với tình hình thực tế". Với đà này, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt 6% cả năm, như Quốc hội đã đề ra.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: