Thưa ông, năm 2018 tròn 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thủ đô (2008-2018). Nhìn lại sau 10 năm, ở góc độ quy hoạch TP, ông có nhận xét gì?
KTS Trần Ngọc Chính: - Trước hết, việc mở rộng Hà Nội là hết sức cần thiết. Bởi Hà Nội là thủ đô đa chức năng, vừa là trung tâm hành chính - chính trị, vừa là trung tâm kinh tế - văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của cả nước, không đơn thuần chỉ là thủ đô có chức năng hành chính - chính trị như thủ đô các nước khác.
Để làm tốt quy hoạch tổng thể, đòi hỏi TP Hà Nội phải giải quyết được dứt điểm 2 điểm nghẽn về mật độ nhà cao tằng và dân cư. Khi 2 vấn đề này được tháo gỡ mới giải tiếp được bài toán giao thông đô thị, tránh ùn tắc giao thông, giải quyết hệ thống về cơ sở hạ tầng thoát nước chống ngập, hệ thống an sinh, dịch vụ học tập, y tế, vui chơi giải trí…
Diện tích Hà Nội trước kia 921km2 không đủ để tổ chức, xây dựng các khu chức năng cho phát triển, chưa nói đến các công trình phụ trợ như công viên, hồ nước, cây xanh, hệ thống kỹ thuật đô thị, hành lang điện cao thế, cấp thoát nước, hệ thống nghĩa trang... Do đó, việc mở rộng địa giới đã đáp ứng được 2 điều kiện cần và đủ của Hà Nội.
Thành tựu lớn nhất Hà Nội đạt được sau 10 năm mở rộng là xây dựng hạ tầng đô thị, cụ thể là giao thông nội đô. Các tuyến đường vành đai cơ bản được khép kín, như tuyến đường vành đai 1 Ô Chợ Dừa - Hoàng Câu; đường vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai, hay xây dựng một số đoạn tuyến của tuyến đường vành đai 2,5... đến nay đã hoàn tất và thể hiện được vai trò của mình.
Hà Nội cũng đã hoàn thành hệ thống đường dẫn cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, hoàn thành xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Đây là những điểm nhấn giao thông quan trọng, để lại ấn tượng tốt.
- Vậy những vướng mắc trong quy hoạch đô thị hiện nay của Hà Nội là gì, thưa ông?
- Trước khi Hà Nội chưa được mở rộng đã có dự báo chỉ trong vòng 10 năm tới, đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Đặc biệt, với việc quy hoạch dồn nén các khu đô thị ở phía Tây và Nam Hà Nội, sẽ khiến nhiều tuyến đường xuyên tâm của thủ đô trở thành những điểm ùn tắc vào các giờ cao điểm. Tình trạng này diễn ra ở nhiều tuyến phố và kéo dài nhiều năm. Do đó, Hà Nội cần tháo gỡ các vấn đề trên.
Vỉa hè dành cho người đi bộ cũng tận dụng làm bãi giữ xe máy. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về di dời các trụ sở bộ, ngành và các trường học, bệnh viện, đến thời điểm hiện nay một số đơn vị đã di chuyển đến địa điểm mới, nhưng chưa bàn giao quỹ đất cũ cho TP mà vẫn sử dụng tiếp.
Thêm vào đó, trong khi Hà Nội cần nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hạ tầng, những trụ sở cũ của các cơ quan này được xem là những khu “đất vàng”, lại được đem ra đấu giá và khi trúng thầu, chủ đầu tư sẽ biến khu đất đó thành trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở, dẫn đến vòng luẩn quẩn nhồi chung cư vào nội thành.
Vấn đề tăng dân số cơ học đang tạo áp lực lớn cho Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở, tại khu vực nội đô mọc lên nhiều nhà cao tầng, chung cư. Đơn cử, đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) dài khoảng 6km với mặt cắt 40m, 6 làn xe, vỉa hè mỗi bên 10m đang có gần 40 nhà cao tầng hiện hữu, chưa kể số nằm trong quy hoạch.
Hay dọc phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) cũng có hơn 20 tòa chung cư. Điều này dẫn tới sự thiếu đồng bộ về cảnh quan, cấu trúc đô thị trung tâm, quy hoạch đô thị bị phá vỡ, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là giao thông bị quá tải dẫn tới thường xuyên ùn tắc.
- Để tháo gỡ những vướng mắc được cho là điểm nghẽn nói trên, theo ông cần thực hiện những giải pháp gì?
- Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước đang rất khó khăn, việc đặt phương án di dời tổng thể toàn bộ hệ thống trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành Trung ương rất khó khả thi. Do vậy, chỉ nên xác định phương án cụ thể cho từng cơ sở theo định hướng của quy hoạch chung xây dựng Hà Nội và quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, TP cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng, sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.
Cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Để làm được việc này phải có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài nội thành để TP ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng.
Tăng dân số cơ học là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nhà cao tầng mọc lên. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là hạn chế, thậm chí không cho xây dựng thêm chung cư cao tầng trong khu vực nội đô. Thí dụ, khu Giảng Võ và Thanh Xuân được xem là điểm đen về quá tải hạ tầng.
Ngoài ra, khu Giảng Võ còn là khu vực không gian cần phải bảo tồn vì gần trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là khu vực cần ưu tiên giảm tải mật độ dân cư để giảm tải cho hạ tầng. Khi quy hoạch được đưa ra không dựa trên căn cứ khoa học, chỉ nhằm làm lợi cho doanh nghiệp, dư luận cho rằng quy hoạch Hà Nội chạy theo dự án là có cơ sở.
Để giảm tải mật độ nhà cao tầng và dân cư nội đô, các nhà lập quy hoạch cần nghiên cứu rõ 2 chỉ số gồm mật độ xây dựng và số lượng dân cư. Hà Nội đang cố gắng giảm tải áp lực cho hạ tầng khu vực nội đô lịch sử, mọi quy hoạch đều phải giảm bớt, ít nhất cũng phải duy trì số lượng dân cư hiện có không được tăng thêm.
Song song với đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch vùng cho thủ đô nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư.
- Xin cảm ơn ông.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: