Hệ lụy của phá vỡ quy hoạch đè nặng lên hệ thống hạ tầng giao thông và dân cư đô thị đang phải gánh chịu hậu quả.
Ùn tắc giao thông, không có chỗ đỗ phương tiện đã và đang là vấn đề khiến người dân ở các đô thị lớn bức xúc, mệt mỏi.
Nguyên nhân của tình trạng này được bắt nguồn từ việc gia tăng dân số cơ học, gia tăng nhanh lượng phương tiện; đặc biệt là phá vỡ quy hoạch đô thị đã khiến mọi tính toán, dự báo về hạ tầng giao thông trong tương lai bị đảo lộn.
Những hình ảnh thường ngày ở thủ đô Hà Nội
Tính toán của các cơ quan chức năng cho thấy, trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày mất trên 41 tỷ đồng.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội cho rằng, chính việc phá vỡ quy hoạch cũng như gia tăng phương tiện cá nhân tạo áp lực quá lớn lên hạ tầng giao thông, gây ra ùn tắc thường xuyên.
Trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 quy định rõ, Hà Nội phải giãn dân trong khu vực nội đô, các nhà máy xí nghiệp ra ngoại thành hoặc xây dựng cơ sở sản xuất ở địa phương khác.
Tuy nhiên, khi những cơ sở này di chuyển đi nơi khác thì đất cũ lại mọc lên những khu chung cư mới, cao ốc văn phòng với dân số và lượng người tập trung quá đông. Đặc biệt, nhiều khu đất dành cho giao thông công cộng lại biến thành khách sạn hay các công trình khác của tư nhân….
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội chỉ ra một thực tế hiện nay là nhiều khu đất của giao thông nhưng không để làm giao thông. Ví dụ như bến xe Kim Liên cũ, sau khi liên danh với nước ngoài thì không hiểu lý do gì mà bến xe lại biến thành khách sạn Nikko.
Ảnh minh họa
Còn ông Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, điều đầu tiên phải làm là kiểm soát tốt mật độ xây dựng, mật độ cư trú tại mỗi khu vực. Nếu không kiểm soát tốt mật độ dân cư thì phát triển hạ tầng có tốt thế nào cũng không bao giờ đuổi kịp sự phát triển của đô thị.
"Việc kiểm soát tốt mật độ dân cư trước hết là phải thông qua công tác quy hoạch, có biện pháp khống chế mật độ dân cư, kiểm soát số lượng nhà cao tầng. Ở một số quốc gia còn khống chế cả số nhân khẩu trong từng căn hộ…để tránh việc quá tải mật độ dân cư...”, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia Lưu Đức Cường cho biết.
Cũng theo các chuyên gia giao thông đô thị, nếu không có sự kiên quyết và thực hiện đúng quy hoạch chung thì giải pháp gì cũng khó để có thể giải quyết hậu quả. Bởi, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đưa rất nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, tuy nhiên vẫn chưa hiệu quả.