“Điều quan trọng là chúng tôi đang thiết kế và xây dựng khu nhà ở tái định cư giãn dân phố cổ trong khi đô thị Việt Hưng là khu có chất lượng về hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật tốt. Chúng tôi cũng nghiên cứu để đưa sang bên ấy cách sống, cách sinh hoạt của người dân phố cổ” – Ông Phạm Tuấn Long – Phó trưởng ban quản lý Phố cổ Hà Nội nhấn mạnh.
Ngày 9-1-2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn khoảng 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020), tương ứng phải di chuyển 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 nhân khẩu sẽ được di dời, tạo điều kiện tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ và cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
PV Vland đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Long – Phó trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội về nhiều vấn đề xung quanh đề án.
PV: Vấn đề di dời, giãn dân phố cổ đã được nhắc đến trong nhiều năm qua. Đã có nhiều phương án, ý kiến được đưa ra. Xin ông cho biết với “Đề án giãn dân Phố cổ” lần này có những điểm gì mới tạo sự thuyết phục đối với các đối tượng tham gia?
Ông Phạm Tuấn Long:
Ngày 9/1, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án giãn dân khu phố cổ”.
Đề án gồm 2 dự án. Một là dự án tổ chức di dời phía đầu đi nhằm khảo sát lập phương án đền bù, hỗ trợ và di chuyển khoảng 1.530 hộ dân khu phố cổ sang khu nhà ở giãn dân tại KĐT Việt Hưng, do BQL phố cổ Hà Nội được ủy quyền chủ đầu tư thực hiện.
Cuộc sống chật chội ẩm thấp nơi phố cổ (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Dự án thứ 2 là dự án đầu đến - Khu giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng. BQLDA Đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ được ủy nhiệm làm chủ đầu tư tiến hành thực hiện dự án. Nhiệm vụ của dự án là đầu tư, xây dựng các khu nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy hoạch khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đất 11,12ha trong KĐT Việt Hưng.
Thực tế, thời gian qua chúng tôi đã tiến hành giải phóng mặt bằng và di chuyển các hộ dân sống trong các di tích, trường học, công sở ra khỏi phố cổ. Việc di chuyển này do quận Hoàn Kiếm không có quỹ đất nên phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất do TP bố trí. Thứ hai là các hộ dân tái định cư ở những nơi khác nhau như ở Trung Hòa – Nhân Chính, Đức Giang hay Sài Đồng… Nhưng khi triển khai đề án Giãn dân phố cổ, số lượng các hộ dân di chuyển sẽ rất lớn nhưng các hộ dân này sẽ được ở tập trung. Ngoài chất lượng về nhà ở tốt thì còn có chất lượng về cuộc sống. Điều quan trọng là chúng tôi đang thiết kế và xây dựng khu nhà ở tái định cư giãn dân phố cổ trong khu đô thị Việt Hưng là khu có chất lượng về hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật tốt. Chúng tôi cũng nghiên cứu để đưa sang bên ấy cách sống, cách sinh hoạt của người dân phố cổ.
PV: Việc đưa được cách sống, cách sinh hoạt của người dân phố cổ vào một khu đô thị mới sẽ được sắp xếp như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Long:
Đề án Giãn dân phố cổ nếu chỉ đơn thuần là giải phóng mặt bằng thì có thể đưa người dân tới nhiều khu vực nhưng ở đây chúng tôi xây dựng một khu đô thị để những người dân phố cổ được ở với nhau. Với không gian sống mới sẽ tạo ra điều kiện sinh hoạt giống với cuộc sống nơi phố cổ mà họ sống trước đây. Có thể thấy, ở nhiều khu đô thị mới chung cư cao tầng cư dân sống gần như bó kín trong không gian sống của từng căn hộ.
Thực hiện đề án Giãn dân phố cổ khó khăn chính là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân (Ảnh Lê Anh Dũng).
Tại đây, tầng 1 các tòa nhà sẽ được bố trí làm nơi kinh doanh cho các hộ dân. Các hộ ở đây được thuê để mở cửa hàng kinh doanh khác với các khu đô thị khác khu vực này thường được giao cho những nhà cung cấp dịch vụ lớn. Các ngành hàng ở đây cũng sẽ được tổ chức và quy hoạch theo quy hoạch kinh doanh tại khu vực phố cổ. Trong các tòa nhà đều có sân trong phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho cả khu dân cư.
Khi thực hiện đề án Giãn dân phố cổ khó khăn chính là thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Vì họ đã gắn bó hàng chục năm, nhiều thế hệ ở phố cổ và thói quen của họ trong sinh hoạt văn hóa, hàng xóm đã rất thân thuộc. Vấn đề phải làm cho họ thấy được quyền lợi khi họ tham gia vào đề án. Họ được đến khu đô thị có cơ sở vật chất kỹ thuật tốt hơn, môi trường rộng rãi, thoáng mát… đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện đại.
Chúng tôi sẽ tìm ra lối sống, lối sinh hoạt của người dân phố cổ để đưa vào trong thiết kế khu đô thị mới cho phù hợp, họ vẫn còn hàng xóm vẫn được sống cùng với nhau. Đó là giá trị vô hình nhưng sẽ tạo sự gắn kết rất đặc biệt. Chính điểm này tạo nên điểm nổi bật khác với các khu nhà tái định cư khác của thành phố.
PV: Đi vào thực hiện đề án sẽ có rất nhiều công việc cần tiến hành, khảo sát từ thực tế. Trong thời gian này, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đang cụ thể thực hiện dự án như thế nào?
Ông Phạm Tuấn Long:
Dự án đầu đi chúng tôi cũng đã tiến hành điều tra lập danh sách các đối tượng phải giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Dự án đầu đến, hiện nay chúng tôi đã được TP giao cho khu đất và đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở Giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng và dự kiến đến năm 2014 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng.
Khu phố cổ chứa đựng trong đó những di sản văn hóa quy giá không chỉ là lối sống, nét duyên của người Tràng An mà đó còn là văn hóa Việt
Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về đề án để người dân được biết cùng việc tổ chức Triển lãm Đề án Giãn dân phố cổ tại Trung tâm thông tin văn hóa phố cổ 28 Hàng Buồm người dân có thể đến trao đổi mọi vấn đề.
Chúng tôi sẽ tiến hành lập danh sách xếp thứ tự ưu tiên để khi có quỹ nhà đến đâu thì chúng tôi sẽ di chuyển đến đó.
Việc thực hiện di dời đều được công khai minh bạch. Các đối tượng tham gia đề án họ có những quyền lợi gì, trách nhiệm như thế nào. Các chính sách đều phải rõ ràng đối với cả người đi và người ở.
Đặc biệt, ngày 24/10 vừa qua, TP Hà Nội vừa ban hành Quy chế quản lý, kiến trúc khu phố cổ. Đây cũng là công cụ giúp cho việc quản lý phố cổ tốt hơn. Quan trọng vẫn phải cần có sự kết hợp đồng bộ giữa chính quyền và sự ủng hộ của người dân. Ở đề án người dân chính là chủ thể, đem lại quyền lợi cho cả người di dời lẫn người ở lại. Khi đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, Hà Nội bảo tồn được giá trị di sản. Một dự án có tác động kép mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy không có lý do gì để không làm được.
Xin cảm ơn ông!