Để giải quyết những khó khăn trong thị trường bất động sản Việt Nam, Bộ xây dựng đã lên tiếng giải cứu thị trường khỏi cú sốc với hy vọng phục hồi và phát triển bất động sản trở lại.
Vậy Bộ xây dựng đã làm gì để giải quyết những khó khăn trong thị trường? Hãy theo dõi bài viết dưới đây!
2 điểm mấu chốt sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản
Việc sửa đổi Dự thảo Thông tư này đã gây khá nhiều tranh cãi thời gian gần đây vì tác động của nó đối với thị trường bất động sản.
Theo dự thảo sửa đổi, có 2 điểm thay đổi được coi là mấu chốt sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Trong đó, khoản 14 điều 1 của dự thảo sửa khoản 5 điều 17 Thông tư 36 quy định: Tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa là 40% (giảm từ 60% xuống 40%).
Ngoài ra, trong khoản 19 điều 1 của dự thảo sửa phụ lục số 2 của Thông tư 36, trong đó có việc quy định nâng mức trần của các khoản phải đòi trong kinh doanh bất động sản thuộc nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250% (tăng từ 150% lên 250%).
Một số cân nhắc quý báu cho Ngân hàng Nhà nước sau việc sửa đổi Thông tư
Theo Bộ Xây dựng, mục đích của việc sửa đổi Thông tư lần này cũng nhằm giúp cho thị trường phát triển ổn định, bền vững hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần cân nhắc kỹ một số yếu tố có tác động tới thị trường.
Thứ nhất là Thông tư 36/2014/TT-NHNN cùng các giải pháp khác đưa ra của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện đã có những tác động tích cực. Qua đó, giá bất động sản đã ổn định, sát với giá trị thực, thanh khoản liên tục tăng, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực của người dân, tồn kho liên tục giảm (tính đến tháng đầu năm 2016 đã giảm 62,72% so với quý I năm 2013, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng phục hồi góp phần tăng trưởng kinh tế.
Điều cần căn nhắc tiếp theo chính là nhu cầu vốn cho bất động sản hiện nay vẫn rất lớn và chủ yếu vẫn phải dựa vào vốn vay từ các ngân hàng. Toàn quốc hiện có khoảng gần 4000 dự án đang triển khai với nhu cầu vốn trên 4.400.000 tỷ đồng, trong đó vốn cần vay ngân hàng chiếm 50% đến 60%, tương đương 2.200.000 – 2.640.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay vẫn ở mức hợp lý dưới 10% tổng dư nợ toàn hệ thống Ngân hàng.
Cân nhắc về sự thay đổi bất động sản liệu có tác động tới nền kinh tế Việt Nam?
Thực tế cho thấy, từ năm 2009 cho đến nay, những thay đổi trong chính sách cho vay đối với bất động sản có ảnh hưởng rất lớn đối với thị trường phải kể đến như: Thông tư số 15/2009/TT-NHNN, Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Thông tư số 13/2010/TT-NHNN.
Thông tư 36 nới lỏng tín dụng bằng việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa từ 80% xuống tới 60%, hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản giảm từ 250% xuống 150% cùng với các giải pháp quyết liệt khác của Chính phủ đã giúp thị trường Việt Nam vượt qua thời kỳ đóng băng và đang trên đà hồi phục.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy kinh doanh bất động sản cần sử dụng vốn vay ngân hàng rất lớn. Sự thay đổi của bất động sản sẽ có tác động rất lớn đối với nền kinh tế. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn xong để cho vay trung và dài hạn không nên vượt quá 60% và hệ số rủi ro thường ở mức 150% đến 200%.
Bộ Xây dựng cho rằng vẫn cần cân nhắc việc quản lý để giảm tác động xấu tới thị trường
Theo một số chuyên gia nguồn vốn cho vay bất động sản từ các ngân hàng hiện vẫn ở ngưỡng an toàn, vào khoảng 9%. Nếu điều chỉnh giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn d40% và nâng hệ số rủi ro từ 150% lên đếnc 250% sẽ là quá lớn, có thể gây “sốc” với thị trường.
Qua những phân tích trên, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản vẫn trên đà hồi phục và đang được kiểm soát tốt, dù chưa có dấu hiệu rõ rệt của tình trạng sốt nóng và các dấu hiệu bất thường. Song việc sử dụng công cụ quản lý, điều tiết vẫn rất cần được cân nhắc kỹ, có lộ trình phù hợp, tránh tác động xấu tới thị trường.