Hiện nay, do một số ngân hàng (NH) thiếu hụt nguồn vốn ra vào (thanh khoản) khá trầm trọng nên các NH này rất cần vốn để chống đỡ thanh khoản khiến lãi suất còn ở mức cao. Do đó, muốn hạ lãi suất đòi hỏi các giải pháp ổn định thanh khoản phải khéo léo, đồng bộ mới đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém
Điều mà nhiều người nhìn thấy là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của 6 tháng gần đây chỉ khoảng 0,6%/tháng nhưng lãi suất đầu vào vẫn ở mức 1,1% - 1,3%/tháng khiến lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể. Đây là nghịch lý của thị trường lãi suất mà đến thời điểm này các chính sách tiền tệ vẫn chưa giải quyết được.
Ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ kéo giảm được lãi suất. Ảnh: HỒNG THÚY
Để hạ lãi suất, thông thường NH Nhà nước phải bơm tiền ra thị trường, còn muốn chống lạm phát thì NH Nhà nước sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Thế nhưng, 2 giải pháp này thường phát sinh mâu thuẫn nên ngoài việc NH Nhà nước phân nhóm NH rồi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH còn cần đến nhiều giải pháp dung hòa khác sao cho vừa hạ được lãi suất mà vẫn ổn định được lạm phát.
Trước mắt, NH Nhà nước cần sớm giải quyết triệt để vấn đề thanh khoản theo hướng phối hợp với các NH thương mại cỡ lớn để sáp nhập, hợp nhất các NH yếu kém nhằm điều tiết vốn từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, tránh trường hợp NH Nhà nước phải bơm tiền ra thị trường, ảnh hưởng không tốt đến lạm phát. Từ đó, tính thanh khoản của hệ thống NH sẽ ổn định, lãi suất có điều kiện để giảm dần như kỳ vọng...
Cần đồng bộ giải pháp
Để lạm phát ổn định, Chính phủ không thể trông chờ vào chính sách tiền tệ, sự điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước mà các yếu tố không kém phần quan trọng là vai trò của các bộ, ngành khác. Bộ Tài chính cần kiểm soát, quản lý tốt giá cả hàng hóa, chống đầu cơ. Bộ Công Thương giải quyết vấn đề cung cầu hàng hóa, hệ thống phân phối. Bộ NN-PTNT xử lý các vấn đề liên quan đến nguồn cung lương thực, thực phẩm... Nếu trong thời gian tới, giá xăng dầu không có biến động lớn, tình hình chính trị, quân sự trên thế giới ổn định thì lạm phát của Việt Nam và thế giới sẽ giảm mạnh.
Nhiều người lo ngại khi lạm phát đi xuống, lãi suất sẽ giảm sâu, người dân có thể rút tiền sẽ khiến hệ thống NH thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Điều này không quá đáng lo vì số tiền đó sẽ được người dân đưa vào sản xuất, thị trường chứng khoán, bất động sản... Khi đó tiền sẽ quay về NH làm thanh khoản của NH tăng trở lại, thậm chí còn tăng mạnh vì phần lớn các giao dịch đều là chuyển khoản nên khả năng tạo thêm tiền của NH sẽ tăng lên. Còn khả năng người dân rút tiền để mua vàng, USD là rất thấp, bởi giá vàng biến động quá thất thường, giao dịch USD trái phép bị xử phạt rất nặng.
Một vấn đề khác là NH Nhà nước cần cân nhắc thời điểm công bố danh sách NH hoạt động yếu kém, kể cả các tiêu chí phân nhóm NH. Nếu NH Nhà nước công bố vào thời điểm không phù hợp sẽ khó bảo đảm an toàn cho hệ thống NH, các giải pháp hạ lãi suất, ổn định lạm phát rất khó triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, do việc minh bạch công khai thông tin NH là xu hướng tất yếu tại Việt Nam nên NH Nhà nước cần đẩy nhanh việc sáp nhập, hợp nhất NH sao cho trong quý II/2012 phải xử lý dứt điểm các NH hoạt động yếu kém. Khi đó, việc công bố xếp hạng NH sẽ không làm cho thị trường tiền tệ biến động.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia)
NH nhóm 4 vẫn được cho vay Ngày 20-2, lãnh đạo của nhiều NH thương mại cho biết chưa nhận được thông báo về tỉ lệ tăng trưởng từ NH Nhà nước. Riêng các NH thuộc nhóm 4 (nhóm không được tăng trưởng tín dụng) vẫn có thể cho vay theo mức cũ. Ví dụ: Cuối tháng 2-2012, NH có dư nợ cho vay là 100 tỉ đồng nhưng đến đầu tháng 3-2012 đã thu hồi được 30 tỉ đồng thì NH có thể cho khách hàng vay 30 tỉ đồng mới thu hồi này. Điều này sẽ tác động các NH thuộc nhóm 4 tích cực thu hồi số tiền đã cho vay, nhất là các khoản vay ngắn hạn, rồi tiếp tục cho vay sao cho trong suốt năm 2012 dư nợ cho vay không tăng so với dư nợ cho vay ban đầu. Th.Thơ |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: