Giá căn hộ tại các thành phố lớn vẫn có xu hướng tăng bất chấp dịch bệnh. Ảnh: Internet
Giá căn hộ tăng bất chấp dịch bệnh
Chia sẻ với NoiThatXhome.vn, chị Kiều Mai Linh cho biết cách đây hai tháng, vợ chồng chị ưng ý một căn hộ 70m2 tại một dự án trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với giá 2,3 tỉ đồng.
Vợ chồng chị Linh đã có 2,1 tỉ đồng tiền nhàn rỗi, chỉ cần vay thêm 200 triệu là có thể sở hữu ngay căn hộ nội thành đã có nội thất đầy đủ.
Tuy nhiên, thời điểm đó dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên cả hai vợ chồng nghĩ rằng thị trường sẽ lắng xuống, giá căn hộ sẽ giảm, đợi thêm thời gian nữa sẽ được mua với giá tốt.
“Khi chúng tôi quay lại mua, chủ nhà đã bán mất”, chị Linh tiếc nuối.
Hai vợ chồng chị lại phải mất thời gian kết nối khắp Hà Nội tìm căn hộ ưng ý nhưng rất khó vì đang trong thời gian giãn cách xã hội.
Cuối cùng, họ mua một căn ở Mỹ Đình với giá 2,5 tỉ đồng, nhưng theo lời chị Linh, hai vợ chồng chị vẫn thích căn bị bỏ lỡ kia hơn.
Anh Bùi Mạnh Hợp, chủ một căn hộ hai phòng ngủ tại đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), cho biết anh mua căn hộ 65m2 giá 2 tỉ đồng cách đây 3 năm.
Hiện tại, dù đang trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, giá căn hộ tại đây vẫn được chào bán với mức tăng 10-15%.
“Tôi dự định 3-5 năm nữa mới chuyển sang căn hộ rộng hơn, nhưng nếu trong năm nay giá căn hộ vẫn tăng đều thì có lẽ tôi sẽ phải sớm thực hiện dự định này. Nếu để lâu hơn, giá căn hộ lúc đó chắc lại vượt số tiền nhàn rỗi, tôi lại phải vay ngân hàng”, anh Hợp nói.
Theo thống kê của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, thời gian qua giá căn hộ vẫn ghi nhận xu hướng tăng, bất chấp dịch bệnh.
Báo cáo quý 2.2021 của Bộ Xây dựng cho thấy giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng khoảng 5-7% so với quý đầu năm.
Cụ thể, một số dự án tại Hà Nội có giá giao dịch căn hộ tăng như: Sunshine Garden (tăng gần 6%), Xuân Mai Complex (tăng khoảng 4,5%), Hòa Bình Green City (tăng khoảng 5%) Stellar Garden (tăng hơn 6%), Seasons Avenue (tăng khoảng 5%), Xuân Mai Complex (tăng hơn 5%).
Còn tại TP.HCM, căn hộ Cantavil An Phú - Cantavil Premier (tăng khoảng 7%), Opal Riverside (tăng hơn 6%), New City Thủ Thiêm (tăng hơn 5%), Sunview Town (tăng hơn 5%).
Sau dịch giá cũng khó giảm
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay giá nhà đất tại Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới.
Nếu như 3 năm trước căn hộ cao cấp có giá khoảng 35-45 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên mức 40-60 triệu đồng/m2.
Phân khúc trung cấp trước đây có giá từ 25-30 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 30-38 triệu đồng/m2.
Các dự án nhà ở thương mại giá rẻ khu vực ngoại thành Hà Nội trước đây có giá 15-17 triệu đồng/m2, nay đã được điều chỉnh lên 20-26 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm Hà Nội như dự án Le Grand tại quận Long Biên có giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm giá khoảng 28 triệu đồng/m2, dự án XPHomestar tại huyện Đan Phượng có giá khoảng 20 triệu đồng/m2.
Tại TP.HCM, dự án The East Gate tại TP. Thủ Đức có giá khoảng 27 triệu đồng/m2, dự án Tecco Town tại quận Bình Tân có giá khoảng 24 triệu đồng/m2.
Tại Bình Dương, dự án Lavita tại TP. Thuận An có giá khoảng 26 triệu đồng/m2.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung loại căn hộ này ngày một hạn chế, trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều dẫn đến giá bán tiếp tục tăng.
Nhiều dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm hiện cũng đã có giá trên 20 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của giới quan sát thị trường, về dài hạn, giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng do nhà ở luôn là nhu cầu tất yếu.
Nhất là trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, việc phê duyệt dự án ngày một sát sao. Tốc độ đô thị hoá ngày một tăng cao với lượng lớn cư dân ở các tỉnh đổ về thành thị cũng khiến cho nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn tăng mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng dù dịch bệnh và không có giao dịch nhưng giá nhà đất không giảm.
Thị trường đang hình thành một mặt bằng giá mới, với mức tăng 15-20% đến từ các dự án bất động sản đủ các cơ sở pháp lý.
Đối với chung cư, phân khúc này là sản phẩm phục vụ nhu cầu và kế hoạch sinh sống dài hạn của người dân nên ít bị tác động bởi những sự kiện như dịch bênh và luôn có xu hướng tăng giá.
“Giá nhà đất sẽ không giảm sau dịch bệnh khi áp lực đầu vào như vật liệu xây dựng, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng… đang tăng”, ông Đính nhận định.
Theo ông Đình, giá cả bất động sản đang không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Cung thì khan hiếm, giá lại quá cao, khó chấp nhận.
“Do đó, vấn đề cần làm khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường phục hồi là phải điều tiết về giá, nguồn cung”, ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, nếu không kiểm soát được sự tăng giá dẫn đến lạm phát lớn, thì đầu vào của bất động sản cũng bị áp lực rất cao, từ đó lại tiếp tục khiến giá bất động sản tăng lên, giao dịch cũng sẽ giảm.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp hiện nay luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với những biến động của đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp đã rút được kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, nên luôn có kịch bản phù hợp cho từng giai đoạn.
Cùng với đó, tình trạng phê duyệt dự án ngưng trệ do dịch bệnh khiến nguồn cung khan hiếm khiến việc giảm giá nhà rất khó xảy ra, ông Thanh nhận định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: