Gạch và bê tông từ rác
PGS-TSKH Nguyễn Ngọc Châu, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ môi trường (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) thông báo tin vui trên khi chúng tôi hỏi thăm. “Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nam (Ninh Bình) đã nhận chuyển giao công nghệ từ chúng tôi và sẽ tiến hành sản xuất, tạo thêm việc làm thêm cho các sinh viên Trường Cao đẳng Thành Nam. Một công đôi ba việc là thế”, ông Châu cho biết.
Thu gom rác dân lập tại quận 11 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Được biết, đại diện một số đơn vị từ các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Ninh Thuận… cũng đã tìm gặp ông, bày tỏ sự quan tâm đến dự án biến rác thải, phế liệu thành gạch và bê tông với giá rẻ hơn nhưng chất lượng không hề thua kém gạch và bê tông thương phẩm thông thường.
Năm 2012, Hà Nội có thể không còn chỗ đổ rác. Tại Hà Nội, khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm, với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Tại TPHCM, mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn rác, một năm tiêu tốn trên 235 tỷ đồng để xử lý. (Nguồn: Báo cáo môi trường quốc gia 2010 của Bộ Tài nguyên - Môi trường) |
Ý tưởng biến rác thải vô cơ thành gạch và bê tông đã được ông Châu và các cộng sự nhen nhóm từ năm 2003, năm 2006 mới bắt đầu tiến hành sản xuất thử nghiệm. Vừa qua, công trình đã được Hội đồng khoa học của Bộ Xây dựng nghiệm thu với kết quả xuất sắc.
Các loại chất thải rắn vô cơ (chủ yếu là cát, sỏi, đá, gạch vụn, nylon, gỗ) có kích thước hạt từ 3mm đến 3cm được phối trộn với xi măng porland PCB 30, cát và đá dăm, cho ra đời những viên gạch con sâu (còn gọi là gạch dích dắc) có khối lượng 2,8kg/viên. Hai mẫu gạch mới có cùng loại vật liệu thành phần cũng đã được sản xuất thành công là gạch lục giác và gạch ba cạnh.
Chứa đến 26% là chất thải rắn vô cơ, gạch lát vỉa hè từ rác vừa nhẹ hơn, vừa có giá chỉ khoảng 1.000 đồng/viên, trong khi gạch lát vỉa hè thông thường loại 3kg/viên trên thị trường có giá khoảng 3.000 đồng/viên. Loại gạch lát vỉa hè làm từ phế liệu này có thể chịu được tải trọng tới 70kg/cm2, trong khi theo tiêu chuẩn Việt Nam là từ 36kg/cm trở lên.
Tương tự, bê tông từ rác chế tạo theo công nghệ của TS Châu có giá khoảng 500.000 đồng/m³, rẻ hơn nhiều so với bê tông thương phẩm (2 triệu đồng/m³). Bê tông “ông Châu” cũng đã được thử nghiệm chịu tải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam.
Đặc biệt, kết quả thử nghiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy cả gạch và bê tông làm từ phế thải khi ngâm trong nước không ra màu, không mùi, nước ngâm gạch và bê tông không có vị lạ, không có các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Ông Châu cho rằng loại bê tông này hoàn toàn có thể sử dụng làm đê chắn sóng, làm ụ cho tàu thuyền neo đậu, kè bờ chống sạt lở và xây hồ nuôi cá bè ở các địa phương ven biển… Một ý tưởng thú vị khác được ông Châu đề xuất là xếp các khối bê tông trên để “xây” hầm chứa rác; sau đó “hàn” kín miệng hầm bằng một khối bê tông khác. Một thời gian sau, khi rác xẹp xuống thì nhấc khối bê tông phía trên lên và đổ rác tiếp… Như vậy sẽ có thể góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất chôn lấp rác, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM.
Mũi tên trúng nhiều đích
“Một điều rất thuận lợi cho chúng tôi là có được nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nhà máy xử lý rác Cầu Diễn và Việt Trì. Tại các nhà máy này, rác thải đưa về chủ yếu được phân làm 3 loại. Loại có kích thước nhỏ, chủ yếu là mùn, dùng để sản xuất phân vi sinh; loại rác thải vô cơ kích thước dưới 30mm và loại trên 30mm mang đi chôn lấp, vừa ô nhiễm vừa lãng phí. Chúng tôi sử dụng loại chất thải rắn vô cơ để làm gạch và bê tông. Vậy là nhà máy giúp chúng tôi xử lý nguyên liệu ban đầu, chúng tôi giúp họ xử lý phần còn lại của rác thải sau khi đã làm phân vi sinh. Vòng tròn tái chế được khép kín”, TSKH Nguyễn Ngọc Châu giải thích.
Điều khiến PGS Châu trăn trở hiện nay là sáng chế chỉ có thể nhân rộng nếu được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, tạo điều kiện. Theo ông, vốn là điều kiện cần thiết, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng mở hầu bao. Vấn đề quan trọng nhất là chính sách sử dụng các sản phẩm từ rác – trước hết là trong các công trình công cộng. Có như vậy rác mới có thể tái sinh một cách có ý nghĩa.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: