Thông tin từ một số công ty xây dựng tại TPHCM cho biết khách hàng liên hệ xây dựng nhà ở hiện đang giảm từ 20%-40% so với thời điểm này năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Tỷ Lệ Vàng, than: Trong tháng qua, công ty không triển khai thêm được công trình nào. Thậm chí, một số hợp đồng đã ký trước, nay chủ nhà cũng thông báo tạm hoãn để chờ giá vật tư giảm trở lại mới tính tiếp.
Bà Nguyễn Thị Giang Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Phát triển Đô thị Sài Gòn, cho hay giá vật liệu xây dựng (VLXD) thời gian qua tăng quá cao, có loại tăng đến 30%; tiền nhân công cũng tăng từ 160.000 đồng lên 200.000 đồng/ngày nên giá xây dựng cũng phải tăng theo.
Còn ông Nguyễn Văn Châu cho hay: Năm ngoái, giá xây thô khoảng từ 2,2 triệu- 3 triệu đồng/m2 xây dựng (tùy loại nhà và loại vật liệu) thì năm nay phải từ 2,8 triệu- 3,5 triệu đồng/m2 mới xây được. Còn nhà xây hoàn thiện khoảng 4,5 triệu- 5 triệu đồng/m2...
Giá cao bán chậm
Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất thép cho biết sức tiêu thụ thép trong tháng 1, tháng 2 khá cao (có hãng thép tiêu thụ được 90.000 tấn/tháng) nhưng từ đầu tháng 3 bắt đầu giảm mạnh. Hai mươi ngày đầu tháng 3, các doanh nghiệp lớn cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn- 30.000 tấn (giảm gần 50%).
Dù mức tiêu thụ giảm mạnh nhưng các hãng thép vẫn chưa chịu giảm giá bán để kích cầu. Giá thép xuất xưởng tại các nhà máy vẫn giữ mức cao, khoảng 18,5 triệu tấn (đã tính thuế). Trong khi đó, giá bán lẻ trên thị trường hiện nay đã bắt đầu giảm nhẹ nên chỉ còn tương đương với giá nhà máy hoặc thấp hơn vài trăm ngàn đồng/tấn.
Ông Trần Thanh Phát, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thép tại TPHCM, cho hay lượng thép hiện tồn đọng trong lưu thông rất lớn, kèm theo áp lực đến hạn phải trả nợ vay ngân hàng nên các đại lý thép đang bung hàng ra để thu hồi vốn.
Giới kinh doanh thép dự báo sức tiêu thụ thép trong tháng 3 đã giảm đáng kể và tháng 4 sẽ còn giảm mạnh hơn. Ngoài nguyên nhân do giá cao khó bán còn do sắp tới, Nhà nước xem xét lại các dự án đầu tư công có thể nhiều dự án bị hoãn lại hoặc kéo dài; tín dụng ngân hàng cũng đang siết lại.
Tương tự, thời gian qua, giá hàng loạt loại VLXD khác như gạch ngói, xi măng, cát, đá… cũng tăng từ 10% - 20%. nên sức tiêu thụ cũng đang giảm. Nhiều người bán VLXD đang hy vọng tình hình có thể khá hơn khi vào mùa xây dựng (khoảng từ giữa tháng 4 tới). Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng trong ngắn hạn, ít có khả năng thị trường VLXD sẽ sôi động trở lại.
Dễ bị cắt xén Do giá VLXD tăng cao như hiện nay nên không ít nhà thầu, đơn vị thi công chào giá “hỏa mù”. Xem qua tưởng là rẻ nhưng sau đó họ sẽ tính phát sinh nếu chủ nhà không am hiểu hoặc thỏa thuận không rõ ràng từ trước. Chẳng hạn, phần xây dựng thô thường có nhiều cấp độ, như chỉ xây dựng những phần có bê tông (cột, đà) cộng với xây gạch (có tô hoặc không tô); phần thô có kèm theo hệ thống điện, nước, chống thấm sàn hay không... chi phí sẽ khác xa nhau. Chất lượng vật liệu cũng là cả một vấn đề vì giá cách biệt nhau rất lớn. Đơn cử như loại gạch ống của Công ty Gạch ngói Đồng Nai có giá khoảng 1.200 đồng/viên, trong khi gạch cùng loại của các cơ sở khác chỉ từ 600 - 700 đồng/viên. Đặc biệt là các loại vật liệu nội, ngoại thất khâu hoàn thiện như gạch lót nền; bột trét, sơn; tấm trần… cũng rất dễ bị ăn chặn bằng cách đổi chủng loại; thi công không đúng quy trình để giảm bớt vật tư… Cách tốt nhất là chủ nhà nên nhờ đơn vị thiết kế thực hiện hồ sơ thiết kế có đầy đủ chi tiết chủng loại, số lượng, thương hiệu từng loại VLXD, kể cả đơn giá từng loại... Chủ nhà chỉ cần căn cứ vào đó để giám sát sẽ hạn chế được thất thoát cũng như tránh được các phát sinh ảo. |