Liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất và nhiều quốc gia đang áp dụng lãi suất âm sẽ tác động thế nào đến lãi suất , tỉ giá tại VN thời gian tới?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố giữ nguyên lãi suất (LS) USD, dù cuối năm 2015 nhiều chuyên gia dự báo LS sẽ tăng 0,25% mỗi quý. Liệu FED không tăng LS và nhiều quốc gia đang áp dụng LS âm sẽ tác động thế nào đến LS, tỉ giá tại VN thời gian tới?
Trao đổi với chúng tôi ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích:
- Việc FED không tăng LS cho thấy kinh tế thế giới không quá lạc quan như chúng ta vẫn nghĩ. Tăng trưởng của Mỹ có dấu hiệu chậm lại, lạm phát ở mức thấp và thị trường lao động cần nhiều yếu tố để hỗ trợ. Không đợi đến khi FED công bố giữ nguyên LS, đầu năm 2016 đồng USD mất đi các động lực tăng giá đã có trong năm 2015.
So với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ, USD đã mất giá bình quân 1-5%. Thị trường đã thẩm thấu được khó khăn của kinh tế thế giới và diễn biến vừa qua chứng thực thêm một điều là FED phải ngưng lại việc tăng LS để xem xét tình hình.
Tuần trước, Ngân hàng (NH) Trung ương châu Âu đã khởi động lại các chính sách kích thích kinh tế bằng cách mua lại trái phiếu và áp dụng cơ chế LS âm nhằm kích thích sử dụng vốn, tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng.
Nhật cũng áp dụng cơ chế LS âm. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc cũng bộc lộ những vấn đề khiếm khuyết, xuất khẩu tăng chậm lại, tăng trưởng thấp xuống, thị trường chứng khoán chao đảo. Điều đó khiến NH Trung ương Trung Quốc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để đưa tiền ra lưu thông.
* Việc FED không tăng LS tác động như thế nào đến tỉ giá VND/USD, thưa ông?
- Vừa qua NH Nhà nước đã thay đổi cơ chế điều hành tỉ giá theo tỉ giá trung tâm để chủ động, linh hoạt hơn trước những diễn biến của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh LS đồng USD không tăng như dự đoán chắc chắn giảm sức ép lên tỉ giá và tỉ giá VND/USD sẽ khó tăng như kỳ vọng của người giữ USD.
Quay lại cuối năm 2015 có thể thấy dù NH Nhà nước hạ LS đồng USD về mức 0%, nhưng rất nhiều người vẫn mua USD gửi vào NH. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2015 huy động USD tăng hơn 18%. NH Nhà nước hạ LS xuống 0% là triệt tiêu hấp dẫn của USD, tại sao người dân vẫn giữ USD? Phải chăng họ đang mơ tưởng năm 2016 tỉ giá sẽ tăng như năm 2015?
Khách hàng giao dịch kiều hối tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
* FED không tăng LS như kỳ vọng, theo ông, sắp tới điều gì sẽ xảy ra?
- Như tôi phân tích ở trên, việc người dân vẫn giữ USD dù LS USD bằng 0% để chờ FED tăng LS với kỳ vọng tỉ giá VND/USD sẽ tăng theo. Nhưng FED không tăng LS. Người gửi USD đã không có lãi, giờ tỉ giá lại không tăng.
Do vậy tôi dự đoán trong năm 2016 sẽ có sự chuyển dịch ngược từ USD sang VND, vì khả năng FED tăng LS đồng USD trong năm nay tuy còn nhưng rất thấp. Việc chuyển dịch ngược từ USD sang VND cũng làm tăng lượng tiền VND trong nền kinh tế, qua đó giúp LS VND hạ nhiệt.
* LS VND từ cuối năm 2015 đến nay liên tục đi lên dù lạm phát năm 2015 rất thấp. Vì sao lại có diễn biến trái chiều này, thưa ông?
- Lạm phát năm 2015 của VN rất thấp, chỉ hơn 0,6%/năm. Nếu tính lạm phát cơ bản (tức loại trừ biến động giá xăng dầu, lương thực thực phẩm) thì khoảng 3%. Lạm phát thấp xuống do có những nhân tố tác động có tính chất bất thường của nền kinh tế thế giới qua giá xăng dầu cũng như mặt bằng giá hàng hóa nông sản thế giới.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của VN rất cao do nền kinh tế có những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt tỉ trọng tín dụng trung - dài hạn tăng rất nhanh, hiện chiếm trên 55% trong tổng dư nợ. Nguồn vốn đi vào thị trường bất động sản cao hơn do chính sách hiện đã thông thoáng hơn. Tín dụng trung - dài hạn tăng 31,4%, trong đó tín dụng bất động sản tăng 28,3%.
Tất cả điều đó tạo áp lực về cân đối với kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Chính vì lẽ đó, một số tổ chức tín dụng có tỉ lệ cho vay trung - dài hạn cao phải phòng thủ bằng cách nâng LS các khoản huy động trung - dài hạn để thiết lập các cân đối.
Mặc dù vậy, dự báo lạm phát năm nay sẽ chỉ quanh mức 3-3,5% nên chúng ta không quá lo LS sẽ tăng quá cao. Các chuyên gia đã dự báo nếu có chỉ tăng 1-2%/năm.
* Nhưng có vẻ hiệu ứng “sửa thông tư 36” đang gây áp lực không chỉ lên hệ thống NH, mà còn khiến người dân có tâm lý kỳ vọng LS còn tăng?
- Việc NH Nhà nước sửa thông tư 36 để cân đối lại các tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Ở VN, 80-90% vốn huy động là ngắn hạn, tỉ lệ dài hạn rất ít trong nhu cầu vốn nền kinh tế phần lớn là dài hạn.
Đây là mâu thuẫn tồn tại mấy chục năm qua, nhưng hai năm gần đây NH Nhà nước có đưa ra chính sách cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn nhiều hơn.
Chuyện sửa thông tư 36 có tác động đến LS là có, nhưng đó không phải tác động quá lớn. Việc NH Nhà nước đang nghiên cứu để chỉnh lại tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn rồi các yếu tố khác là để làm sao vừa hỗ trợ kinh tế, bất động sản phát triển lành mạnh, tuy nhiên cũng phải tính toán những rủi ro khi một lượng vốn tập trung quá nhiều vào tín dụng trung - dài hạn, đặc biệt là bất động sản, sẽ tạo ra thị trường không lành mạnh sau này.
* Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này.