Thành Hương và các đơn vị được chỉ định nạo vét sông Lại Giang ồ ạt nạo vét quá độ sâu, quá tải, ô nhiễm môi trường... trong khi chưa được cấp phép (ảnh chụp ngày 17/11)
Ngày 4/12, tin từ UBND Bình Định cho biết, vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng liên quan hoạt động nạo vét, tận thu đất, cát sông Lại Giang (TX.Hoài Nhơn, Bình Định).
Theo đó, Chủ tịch tỉnh giao UBND TX.Hoài Nhơn chỉ đạo dừng mọi hoạt động nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận thu đất, cát sông Lại Giang theo Văn bản số 2674/UBND-KT ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh và các văn bản có liên quan. Đồng thời, thị xã Hoài Nhơn phải tổ chức rà soát, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước liên quan đến khối lượng nạo vét theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thị xã Hoài Nhơn phải có báo cáo cụ thể về hoạt động nạo vét sông Lại Giang trước ngày 15/12 tới (thông qua Sở TN&MT). Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình vi phạm trong hoạt động nạo vét, thu hồi đất, cát để thi công san lấp công trình tại địa phương. Sở TN&MT tăng cường chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo này, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Văn Công ký văn bản chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu ngừng mọi hoạt động nạo vét, khơi thông dòng chảy, tận thu cát sông Lại Giang từ ngày 1/12. Đồng thời, ông Công giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất Hoài Nhơn phối hợp các đơn vị chức năng rà soát, yêu cầu các nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng đất cát nạo vét sông Lại Giang. UBND TX.Hoài Nhơn chỉ đạo các đơn vị hoàn thành các công việc trên và báo cáo lên thị xã trước ngày 10/12.
Không thấy khơi thông...
Chỉ thấy lòng sông Lại Giang biến dạng...
Trước đó, Báo Giao thông vừa đăng tải loạt bài "Xâu xé sông Lại Giang, núp bóng dự án để múc cát tuồn ra ngoài", phản ánh về việc nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh, TX.Hoài Nhơn chỉ định tham gia nạo vét sông Lại Giang (đoạn từ cầu Bồng Sơn cũ đến Bồng Sơn mới) núp bóng dự án, vi phạm quy định, mục tiêu dự án.
Cụ thể, đại diện chủ đầu tư dự án Công ty TNHH XD Thành Hương cùng nhiều nhà thầu tiến hành nạo vét quá độ sâu cho phép, sử dụng xe quá tải trọng quy định, vi phạm quy định môi trường trong khai thác, vận chuyển... Không ít nhà thầu ngang nhiên tuồn cát ra ngoài địa điểm phục vụ san lấp khu hành chính, dân cư Bạch Đằng (chỉ cách đó 1 con đường tiếp giáp) để đưa đến các bãi tập kết cách đó 15-20km.
Theo nguồn tin của PV, chỉ tính riêng khối lượng cát được tập kết bên ngoài nhân với giá trị thị trường và lách thuế phí tài nguyên môi trường (chênh lệch giữa cát xây dựng và đất cát san lấp công trình) ước tính lên đến vài ba tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Báo Giao thông, lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ, đến nay, đại diện chủ tư Công ty TNHH XD Thành Hương vẫn chưa nộp hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản cho Sở TN&MT tỉnh Bình Định tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép theo quy định.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định xác nhận: hiện, Thành Hương mới chỉ có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chứ chưa có hồ sơ cấp phép. Sở TNMT đã rất nhiều lần đôn đốc các đơn vị thực hiện để được UBND tỉnh cấp phép nhưng đến nay Công ty Thành Hương vẫn chưa thực hiện. Theo quy trình thủ tục, phải có đánh giá tác động môi trường, sau đó kèm theo hồ sơ xin phép thu hồi khối lượng cát để san lấp công trình của huyện mới đảm bảo yêu cầu. Nhưng ở đây phía doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục.
Trao đổi với PV, Luật sư Lê Cao, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng) cho biết, theo quy định hiện hành, hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước sẽ bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền...
Hành vi nạo vét, khơi thông luồng, khai thác cát, sỏi trên sông, hồ không đúng phương án bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; khai thác vượt ra ngoài ranh giới cho phép hoặc quá độ sâu cho phép bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần... Thậm chí, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: