Khi chưa có được thị trường mua bán nợ xấu theo đúng thông lệ quốc tế thì mọi giải pháp mua bán nợ đều không hiệu quả
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm trước mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% từ nay tới năm 2020.
Không có thị trường mua bán nợ theo đúng thông lệ quốc tế thì hoạt động mua bán nợ cũng rơi vào bế tắc
Thưa ông, tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 có đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.
Đáng chú ý, mức mục tiêu dưới 3% nói trên được chú giải không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém - được Chính phủ phê duyệt xử lý theo phương án riêng. Ông bình luận thế nào về chủ trương trên? Theo ông, nếu tách riêng nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, mục tiêu đặt ra có dễ đạt được không và tại sao?
- Có hai vấn đề, một là đưa nợ xấu của 3 ngân hàng được mua giá 0 đồng ra khỏi nợ xấu nội bảng có hợp lý hay không? Và thứ hai, đưa nợ xấu của 3 ngân hàng trên ra khỏi nợ xấu nội bảng rồi thì việc thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% có dễ dàng hay không?
Trước hết, tôi phải khẳng định, quyết định tách riêng nợ xấu của 3 ngân hàng đã được Chính phủ xử lý bằng phương án riêng ra khỏi nợ xấu nội bảng là quyết định rất hợp lý.
Vì sao tôi nói như vậy, vì nợ xấu tại 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng là nợ xấu rất phức tạp, khó giải quyết. Hơn nữa 3 ngân hàng này còn đang có nhiều vấn đề liên quan tới vấn đề luật pháp.
Ở đây, không chỉ đơn giản là những vẫn đề thủ tục hành chính mà nó còn bao gồm rất nhiều vấn đề như thu hồi tài sản, thanh lý tài sản, thậm chí còn có những vụ kiện mang tính hình sự.
Vì vậy, muốn giảm được nợ xấu phải đưa nợ xấu của 3 ngân hàng đó ra khỏi nợ xấu nội bảng trước hết rồi mới tính tới phương án giảm nợ xấu còn lại.
Thứ hai, tách nợ xấu của 3 ngân hàng thương mại đã được xử lý rồi thì việc thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu dưới 3% có dễ dàng thực hiện được không?.
Tính đến thời điểm này, chỉ còn khoảng gần 4 năm nữa để thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đưa nợ xấu từ 6-7% giảm xuống còn 3%.
Tôi vẫn khẳng định, chủ trương trên là đúng nhưng ngay cả khi tách riêng nợ xấu của 3 ngân hàng trên thì việc thực hiện được mục tiêu giảm nợ xấu dưới 3% cũng là thách thức vô cùng lớn.
Vì, vấn đề xử lý nợ xấu tại Việt Nam trong thời gian vừa qua diễn ra rất chậm. Kể cả việc thu hồi nợ, xử lý nợ, kể cả nợ đã được VAMC đã mua về cũng loay hoay chưa xử lý được.
Tiếp đến là các vấn đề liên quan tới pháp lý. Pháp luật của Việt Nam đang bảo vệ quyền lợi cuả người đi vay nhiều hơn quyền lợi của người cho vay (tức là ngân hàng). Vì thế, khi xảy ra các vấn đề tranh chấp pháp lý thì quyền lợi cuả người đi vay luôn được đặt lên trước hết, đây là nghịch lý. Lẽ thông thường quyền lợi cuả người cho vay phải được bảo vệ cao hơn, vì bản thân họ là người cho vay lại bị mất tài sản thì phải cho họ cái quyền được thanh lý tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, pháp luật lại nghiêng về phía người kinh doanh nên quá trình xử lý tài sản cũng bị chậm lại.
Vướng mắc tiếp theo là từ phía các cơ quan thi hành án. Trong quá trình xử lý, giải quyết các tài sản thanh lý, tài sản bảo đảm còn chậm chạp, rườm rà, có lúc, có khi không đủ mạnh mẽ, quyết liệt.
Tóm lại, tôi cho rằng sự khó khăn, chậm chạp trên là sự vướng mắc rất nhiều ở thủ tục luật pháp.
Một vấn đề nữa liên quan tới khâu thanh lý tài sản, trong đó phần lớn là tài sản bất động sản. Có thể thấy trong những năm vừa qua có rất nhiều tài sản BĐS nằm trong số tài sản thế chấp cho ngân hàng lại không có giá. Chính vì sự mất giá đó mà nhiều tài sản bán đi còn không đủ tiền trả nợ ngân hàng, do đó, người đi vay đã không hợp tác với ngân hàng để thanh lý tài sản bảo đảm.
Có thể nói rằng chính những rắc rối từ sự phức hợp của tất cả các vấn đề pháp lý, thị trường và thái độ của người đi vay là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tài sản không bán được, nợ vẫn nằm đó. Đây cũng là cái khó của VAMC hiện nay.
- Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, nếu không tính nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, vậy số nợ xấu đó sẽ được xử lý như thế nào, đó sẽ là nợ xấu thuộc về ai và ai phải chịu trách nhiệm xử lý và giải quyết số nợ xấu, cũng như trách nhiệm về việc để xảy ra những khoản nợ xấu (nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật)? Xin ông giải đáp những băn khoăn của dư luận?
- Những nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng là những món nợ đã được chuyển sang giai đoạn phải giải quyết bằng những thủ tục pháp luật tại tòa. Ví dụ vụ việc của OceanBank - Ngân hàng Đại Dương, trước đó là ngân hàng Xây dựng và tương lai sẽ còn một số ngân hàng khác nữa.
Từ những vụ việc tranh chấp, kiện tụng như vậy cho thấy việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này không đơn giản chỉ là phương án xử lý tài sản bảo đảm để có thể thanh lý rồi trả lại tiền cho các ngân hàng đó nữa mà nó còn liên quan nhiều tới vấn đề hình sự.
Tức là vụ việc đã vượt khỏi phạm vi những giao dịch thương mại, mua bán đơn thuần mà buộc phải chuyển các cơ quan điều tra, phải phân xử bằng các phiên tòa... bao gồm tất cả các vấn đề về hình sự cũng như trách nhiệm những người liên quan.
Về bản chất xử lý nợ xấu và xử lý pháp luật là hai vấn đề hoàn toàn không liên quan tới nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nợ xấu lại bắt nguồn từ những vấn đề hình sự, do đó, vừa giải quyết nợ xấu, vừa xử lý hình sự là một sự phức hợp vô cùng khó khăn.
Vì vậy, tôi nói thẳng, việc xử lý nợ xấu tại những ngân hàng 0 đồng là rất phức tạp, khó có thể xử lý ổn thỏa được trong 3 năm tới. Đó là lý do phải tách nợ xấu của các ngân hàng này khỏi nợ xấu nội bảng.
Nhưng như tôi đã nói, ngay cả khi tách nó ra thì mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cũng khó có thể đạt được.
- Thưa ông, nhìn ra thế giới, cách làm như trên có phù hợp với thông lệ hay không? Theo ông, các cơ quan quản lý nên có động thái giải thích như thế nào để người dân được thông suốt?
- Cách làm như trên không phù hợp với thông lệ quốc tế. Một yếu tố cơ bản là phải có thị trường mua bán nợ xấu thì Việt Nam lại đang thiếu. Việt Nam có thành lập các công ty mua bán nợ như Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty mua bán nợ xấu (AMC) trực thuộc NHNN nhưng vẫn chỉ dừng ở các hoạtdđộng tự mua, bán, trao đổi nợ với nhau chứ chưa có được cơ chế mua bán nợ với nhà đầu tư nước ngoài. Ngay bản thân các công ty mua bán nợ của Việt Nam cũng không mặn mà mua nợ xấu của nhau do rủi ro, không có đủ tiềm lực.
Như vậy, khi chưa có được thị trường mua bán nợ xấu theo đúng thông lệ quốc tế thì mọi hoạt động mua bán nợ cũng chỉ giống như một hình thức nhốt nợ vào chuồng, không xử lý được hoặc xử lý nhỏ giọt.
Nhìn vào thực tế trên, việc dư luận có những băn khoăn, nghi ngờ về khả năng xử lý nợ xấu cũng như mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% là có lý của họ.
Để người dân và dư luận có thể hiểu và chia sẻ được trước hết phải thay đổi các cơ chế pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình xử lý nợ xấu.
Thậm chí phải có đạo luật riêng cho VAMC để họ có quyền xử lý tài sản bảo đảm kể cả trong trường hợp không cần sự hợp tác của con nợ. Vì như hiện nay, VAMC mua nợ xấu nhưng do những vướng mắc về cơ chế mà cuối cùng không xử lý được nợ và phải ôm nợ vào người.
Xin cảm ơn ông!