Khu đất 22-24 Hàng Bài bị quây tôn bỏ không cả chục năm.
“Ôm đất” hàng chục năm không bị thu hồi
Câu chuyện xử lý dự án chậm triển khai, để đất hoang hoá, hay còn gọi là dự án “treo” là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, được người dân và cơ quan quản lý quan tâm.
Thực trạng đáng báo động này đã được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ chất vấn Quốc hội. Nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm nhưng rồi “đâu lại vào đấy” gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng dự án treo xảy ra tại nhiều địa phương. Riêng tại Hà Nội, theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố hiện còn 379 dự án chậm triển khai, tập trung ở các quận, huyện như: Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án.
Những dự án này dù đã “ôm đất” nhiều năm và quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án chậm triển khai tiếp tục được gia hạn nhiều lần.
Hàng loạt dự án từng “làm mưa làm gió” trên thị trường với nhiều giao dịch như: Cenco 5, Tiền Phong, Quang Minh, Việt Á và nhiều dự án khác đến nay vẫn án binh bất động, cỏ mọc um tùm.
Ở nội thành, có nhiều dự án được phê duyệt nhiều năm nhưng tốc độ triển khai “rùa bò” như: dự án Sông Hồng City (quận Tây Hồ), D’San Raffles tại 22 - 24 Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng), "siêu" dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina (quận Hà Đông)...
Trước đó, trả lời kiến nghị cử tri Gia Lai liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho rằng quy hoạch treo là do việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch.
Đây là hiện tượng làm lãng phí nguồn lực, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích của người dân và Nhà nước, gây bức xúc xã hội.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, một trong những lý do xuất hiện dự án treo là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm cách đề xuất dự án rồi giữ đất chờ tăng giá sẽ chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, cơ chế “xin-cho” cũng là nguyên nhân khiến tình trạng xin dự án rồi bỏ không diễn ra trong khi quy định xử lý dự án treo vẫn chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến việc xử lý xong rồi “đâu lại vào đấy”.
Xem thêm: Tin tức bđs hà nội
Sẽ phối hợp kiểm tra khi cần thiết
Mới đây, cử tri tỉnh Long An đã đề nghị tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết căn cơ tình trạng dự án treo nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, các dự án quy hoạch treo có rất nhiều nguyên nhân như: tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch; dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý; dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…
Để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
"Siêu" dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina là bãi đất trống nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.
Theo đó, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm.
Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền.
Bên cạnh đó, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền.
Theo Bộ TN&MT, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: