Nhà thương mại đương nhiên sẽ được bán theo giá thị trường và người hưởng lợi cũng không phải là hàng trăm cán bộ công chức có khó khăn về nhà ở.
Xuất phát từ ý tưởng tích cực là xin đất, lập dự án xây nhà chung cư giải quyết khó khăn về nhà ở cho cán bộ công chức, nhưng khi bị phản đối vì đưa ra mức giá cao, lãnh đạo huyện tuyên bố đó là "nhà thương mại". Nhà thương mại đương nhiên sẽ được bán theo giá thị trường và người hưởng lợi cũng không phải là hàng trăm cán bộ công chức có khó khăn về nhà ở.
Từ ý tưởng
Dự án Nhà ở cho cán bộ huyện Thanh Trì đang bị thương mại hóa. Ảnh: V.H
Trở lại với ý tưởng tích cực là xây nhà cho cán bộ công chức có khó khăn của huyện Thanh Trì, ngày 20/1/2008, Huyện ủy Thanh Trì đã ra thông báo (số 205 TB/HU) về việc xây dựng chung cư cao tầng đáp ứng nhu cầu nhà ở của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức hiện đang công tác tại huyện.
Thông báo nêu, xuất phát từ nhu cầu thực tế của cán bộ công chức có khó khăn về nhà ở, nhiều trường hợp phải ở nhờ nhà cơ quan hoặc thuê nhà trọ tư nhân. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất chủ trương giao UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm đầy đủ các thủ tục theo quy định, báo cáo UBND thành phố cho phép huyện Thanh Trì lập dự án xin đất xây dựng một khu chung cư cao tầng để giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức.
Đồng tình với ý tưởng tốt đẹp của huyện Thanh Trì, ngày 28/5/2009, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đã ký văn bản (số 4783/UBND - KT&ĐT) đồng ý với chủ trương xin đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng để bán cho cán bộ huyện Thanh Trì tại lô đất trong khu dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Ngũ Hiệp và Tứ Hiệp (Thanh Trì) với quy mô trên 14.000m².
Cũng tại văn bản trên, ông Khôi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 về việc ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Từ xuất phát điểm xây nhà cho cán bộ công chức, lãnh đạo thành phố cũng có công văn hướng dẫn thực hiện theo dạng nhà chính sách. Tuy nhiên ngày 13/7/2010, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình lại ký Giấy chứng nhận đầu tư (số 01121000867) cho Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội thực hiện dự án trên với mục tiêu đầu tư: Xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên chức liên cơ quan huyện Thanh Trì nhằm mục đích kinh doanh.
Tới ý đồ
Để được mua một suất căn hộ tại dự án, cán bộ công chức phải đáp ứng các tiêu chí về đối tượng, tiêu chuẩn do UBND huyện Thanh Trì đưa ra như: hợp đồng dài hạn, chưa được cấp đất ở, nhà ở lần nào... Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã được cấp đất, nhà ở nhưng vẫn được ưu tiên xem xét, đó là các đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy (nhiệm kỳ 2005 - 2010); các đồng chí đang là Phó Chủ tịch HĐND-UBND huyện; các đồng chí trong Ban chỉ đạo xây dựng nhà chung cư liên cơ quan.
Xét duyệt nghiêm túc là thế, nhưng khi cán bộ công chức phản ứng vì cho rằng giá nhà chính sách lại có mức giá quá cao, lãnh đạo huyện Thanh Trì lại tuyên bố đây là dự án nhà ở thương mại. Nhà thương mại sẽ được bán theo giá nhà thương mại, mức giá chủ đầu tư đưa ra trên 14 triệu đồng/m² (giá tạm tính) nếu nhân với số diện tích căn hộ (từ 87 - 150m2) sẽ cho ra mức giá từ 1,2 - 2 tỷ đồng/căn hộ. Cần lưu ý đây là mức giá tạm tính và mức giá căn hộ trên không gồm phí bảo trì, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, lệ phí trước bạ, tiều thuê đất.
Một dự án nhà ở cho cán bộ công chức của huyện lại được thiết kế với diện tích các căn hộ lớn tương đương chung cư cao cấp. Huy động vốn của cán bộ công chức khi mới đang tiến hành khoan cọc nhồi. Khi cán bộ công chức "chậm nộp tiền" thì Chủ tịch UBND huyện ra “tối hậu thư” của về thời hạn chót phải nộp tiền và nếu hết thời hạn ai không nộp coi như "không có nhu cầu"... Nếu đa số cán bộ công chức "không có nhu cầu" thì trên 700 căn hộ sẽ được bán cho ai?
Từ việc lấy danh nghĩa xin dự án xây nhà cho cán bộ công chức có khó khăn về nhà ở, đến được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây nhà với mục đích kinh doanh và lên danh sách những trường hợp "không có nhu cầu"... Phải chăng người ta đã và đang dần thực hiện ý đồ biến một dự án nhà chính sách sang nhà thương mại? Hàng trăm cán bộ công chức huyện Thanh Trì trở thành tấm bình phong cho mục đích thương mại, còn chủ trương tốt đẹp của thành phố là xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên có khó khăn về nhà ở bị phá sản.