Tại sao phải điều chỉnh 10.229ha đất vào… “diện tích đất lâm nghiệp”?
Tại Quyết định số 2374/QĐ-UBND, ngày 29.11.2012, UBND tỉnh BP “thu hồi 10.229ha đất tách khỏi lâm phần do UBND huyện Đồng Phú quản lý, giao Cty TNHH MTV caosu BP quản lý, thực hiện quy hoạch KLH Đồng Phú”. Tại khoản 3, điều 2 của Quyết định 2374, UBND tỉnh BP chỉ đạo Sở NNPTNT “tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 19.3.2007, theo hướng điều chỉnh 10.229ha đất tách khỏi lâm phần nêu trên, vào diện tích đất lâm nghiệp và điều chỉnh giảm diện tích đất tách khỏi lâm phần từ 162.275ha xuống còn 152.046ha” (?!).
Nhiều diện tích đất do dân khai khẩn đã được tách ra khỏi lâm phần, nay sẽ trở lại thành đất lâm nghiệp. |
Ngày 28.12.2012, Sở NNPTNT tỉnh BP đã ra văn bản số 1624/SNN-LN, gửi UBND tỉnh BP. Theo Sở NNPTNT: “Căn cứ Luật Đất đai và Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐND ngày 6.8.2012 về việc thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh BP, Sở NNPTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét không điều chuyển 10.229ha đất tách khỏi lâm phần vào đất lâm nghiệp, với lý do sau: - Theo Điều 13, Luật Đất đai năm 2003: Đất lâm nghiệp (đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất) được xếp vào nhóm đất nông nghiệp; đất xây dựng khu công nghiệp được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp.
Nếu quy hoạch 10.229ha đất xây dựng KLH Đồng Phú vào đất lâm nghiệp sẽ trái với Luật Đất đai - Tại Điều 2, Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND ngày 6.8.2012, chỉ điều chỉnh chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 03 loại rừng từ 162.275ha xuống còn 152.275ha. Nghị quyết không điều chỉnh 10.229ha đất nêu trên vào diện tích đất lâm nghiệp”.
Một cán bộ ngành NNPTNT tiết lộ: “Mục đích điều chỉnh diện tích lớn đất đã tách ra từ lâm phần, đưa trở lại thành đất … lâm nghiệp, là để nói, đây là đất lâm nghiệp, từ đó, bất kỳ hộ dân nào có đất nằm trong diện tích 10.229ha đất nêu trên, bị quy hoạch trong dự án KLH Đồng Phú, đều thuộc diện “xâm chiếm” đất lâm nghiệp (?). Qua đó, chính quyền không phải đền bù, khi thu hồi đất hoặc nếu có đền bù, thì cũng không đáng là bao”.
Việc tạo ra một cơ sở pháp lý hoàn toàn mới, không có thật trước đó, để cho rằng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, nhằm giảm chi phí bồi thường, đã gây bất bình trong các hộ dân. Tuy nhiên, bất chấp sự không đồng tình của cơ quan tham mưu là Sở NNPTNT, UBND tỉnh BP vẫn ban hành quyết định 1981/QĐ-UBND ngày 25.10.2013, thu hồi 17.169ha (sau này giảm xuống còn 14.531ha) thực hiện KLH Đồng Phú và tiếp tục chỉ đạo Sở NNPTNT điều chỉnh 17.169ha đất tách khỏi lâm phần vào diện tích lâm phần và điều chỉnh giảm diện tích đất tách khỏi lâm phần từ 162.275ha xuống còn 145.106ha. Đồng nghĩa, việc điều chỉnh này đã đẩy thua thiệt về phía người dân…
Và, tại Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày 25.6.2014, UBND tỉnh BP vẫn tìm mọi cách để “lột xác” cho bằng được 17.169 ha đất đã tách ra khỏi lâm phần, trở lại thành… 17.169ha đất lâm nghiệp (?).
Liệu có khả thi?
Với các quyết định áp đặt trên, đồng nghĩa hầu hết người dân hiện có đất trong vùng bị quy hoạch KLH Đồng Phú, nếu không có Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ), đều thuộc diện lấn chiếm đất lâm phần, cho dù họ có công khai hoang, sinh sống tại mảnh đất đó hàng chục năm…
Bằng chứng tại văn bản số 1039/SNN-LN, ngày 7.9.2012, do Sở NNPTNT ban hành, đã nêu rõ hiện trạng đất của người dân trong vùng bị quy hoạch đều là “đất trồng cây công, nông nghiệp chủ yếu là caosu, điều trên 10 năm tuổi”. Song, suốt 10 năm qua, chính quyền vẫn chưa cấp sổ đỏ cho dân…
Việc không đồng thuận dự án KLH Đồng Phú còn thể hiện tại Báo cáo số 204/BC-UBND, ngày 5.9.2014 của UBND huyện Đồng Phú và Báo cáo số 141/BC-UBND ngày 22.8.2014 của UBND xã Tân Hưng. Trong đó, hầu hết người dân không đồng tình mức hỗ trợ đền bù bằng 30%, 10% và 35% diện tích đất hiện đang canh tác. Vì các quy định của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều không quy định như vậy. Người dân phản đối quy chụp “đất lấn chiếm, sang nhượng trái phép”… Thậm chí có ý kiến nêu ra: Tỉnh BP đã quy hoạch 8 khu công nghiệp (5.244ha), 1 khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư (28.364ha) và mới đây, tỉnh BP mới giao Cty Becamex - BP thêm 4.639,4 ha làm khu công nghiệp.
Vậy mà suốt thời gian qua, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp mới đạt 506,1 ha /5.244 ha (9,6%) và khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư đạt diện tích cho thuê 389 ha/28.364 ha (1,3%). Như vậy, với việc đầu tư dự án KLH Đồng Phú rộng tới 14.531ha, thì liệu có khả thi hay tiếp tục tăng thêm những khu đất hoang hóa kéo dài như các khu công nghiệp đang diễn ra?
Trả lời phỏng vấn của PV Báo Lao Động ngày 25.9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh BP Nguyễn Văn Trăm cho rằng: “Đầu tư KLH Đồng Phú sẽ mang lại lợi ích cho tỉnh và người dân.
KLH Đồng Phú sẽ góp phần đưa BP trở thành tỉnh công nghiệp, giảm tỉ lệ nông nghiệp (40%) trong cơ cấu phát triển kinh tế. Bản thân người dân cũng sẽ hưởng lợi khi được tái định cư trong KLH Đồng Phú. Thí dụ: Một lô đất trong KLH mà người dân được hưởng đã 1 tỉ đồng, thay vì 1ha đất nông nghiệp hiện nay chỉ khoảng… 400 triệu đồng”.
Tuy nhiên, với mỗi hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi dự án KLH Đồng Phú, họ đang cần 1ha đất nông nghiệp thôi, nhưng cả gia đình họ có thể sống ổn định hết năm này sang năm khác. Còn kỳ vọng hưởng lợi 1 tỉ đồng/lô đất, theo người dân, chưa thấy lợi đâu, mà trước mắt họ đã… trắng tay.