Khu đất dự án Công viên điều hòa Nhân Chính vẫn đang bị bỏ hoang. |
Trên trục đường giao giữa Lê Văn Lương và Hoàng Minh Giám, dự án công viên điều hòa Nhân Chính gây bức xúc cho dân quanh khu vực bởi dự án đã GPMB nhưng để cỏ mọc hoang gần 5 năm nay, đã vậy lại còn nợ tiền đền bù GPMB của dân gây bức xúc khiếu kiện. Đi hướng đường Hoàng Minh Giám, gần ngã tư với đường Lê Văn Lương, nếu không nhìn tấm biển “Dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính” thì nhiều người lầm tưởng nơi đây là khu đất bỏ hoang, không có đơn vị nào quản lý. Người dân quanh khu vực cho biết, quanh khu vực rất nhiều nhà cao tầng và cần có không gian công cộng, vậy mà từ đó đến nay dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính vẫn trong tình trạng bỏ hoang.
Theo ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: Dự án hồ điều hòa Nhân Chính có tổng diện tích khoảng 14 ha; trong đó diện tích Thanh Xuân là 9 ha; còn lại là quận Cầu Giấy.
Có 4 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại quận Thanh Xuân có kiến nghị thu hồi gồm: Ô đất ký hiệu 3.7 - CC Láng Hạ (Thanh Xuân), nay là đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, có diện tích gần 10.000 m2 do Công ty cổ phần Hacinco lập dự án xây dựng nhà cao tầng cho thuê. Đơn vị đã xây xong khu B nhưng chưa thực hiện xong thủ tục đầu tư cho khu A (giáp đường Lê Văn Lương). Quận Thanh Xuân kiến nghị thu hồi để xây dựng trường học. Ô đất ký hiệu 3.10 - NO Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương), rộng 11.255 m2 do Công ty TNHH NN MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư từ cuối năm 2008. Khu đất này sử dụng sai mục đích làm gara ô tô, bãi giữ xe. Quận Thanh Xuân kiến nghị thu hồi và thu hồi tiền thuê, sử dụng đất sai mục đích. Ô đất ký hiệu MN - 1, tiếp giáp đường Hoàng Minh Giám do Công ty Vina Megastar quản lý lập dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính. Hiện khu đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng công ty vẫn nợ các hộ dân hơn 11 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB. Quận Thanh Xuân kiến nghị xem lại việc thu hồi và giao cho đơn vị có năng lực hơn. Ô đất tại địa chỉ 64 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt rộng hơn 22.000 m2 do Công ty thiết bị giáo dục 1 quản lý. Quận Thanh Xuân kiến nghị thu hồi giao cho quận xây dựng sân thể thao, chợ dân sinh và nhà hội họp. |
Trước bức xúc của nhân dân trong khu vực về dự án treo “Hồ điều hòa Nhân Chính”, từ đầu năm đến nay, đã có 2 đoàn kiểm tra của HĐND TP Hà Nội và thanh tra liên ngành do sở Tài nguyên Môi trường chủ trì tiến hành thanh tra dự án treo trên địa bàn. “Trên địa bàn có xác định 4 dự án chậm tiến độ. Tôi đã kiến nghị nếu 6 tháng nữa không có quyết định giao đất và triển khai dự án thì thu hồi.
Dù kiến nghị như vậy nhưng thành phố muốn lắng nghe ý kiến của sở, ngành bởi các chủ đầu tư có những khó khăn và những điều kiện khách quan mang lại do vướng thủ tục trong quy hoạch hoặc thay đổi công năng. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi là sau khi lắng nghe giải trình khó khăn nhưng sau 6 tháng nữa nếu không có quyết định giao đất và không triển khai sẽ tiến hành thu hồi”, ông Đặng Hồng Thái cho biết.
Riêng đối với dự án Hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư vẫn để hoang. Dự án này được UBND TP chấp nhận chủ trương vào tháng 8/2008, theo đề xuất xã hội hóa đầu tư Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính của Công ty Vina Megastar.
Đơn vị này đã hoàn thành quy hoạch chi tiết trên cơ sở bố trí tổng mặt bằng, phân khu chức năng và đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Đầu năm 2009, Công ty Vina Megastar xin làm chủ đầu và tiến hành GPMB nhưng từ đó đến nay vẫn để hoang. “Chúng tôi rất bức xúc vì dân khiếu nại về dự án này nhiều, dù đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng không triển khai đầu tư. Chính vì vậy, tôi có đề nghị giao lại dự án cho quận hoặc giao lại cho chủ đầu tư có năng lực”, ông Thái cho biết.
“Đối với dự án treo, quận với tư cách là đơn vị quản lý địa bàn đã vào cuộc ngay sau khi ngành dọc chỉ đạo. Để việc giám sát thực thi có hiệu lực thì khi kiến nghị xử lý có hiệu lực, nếu không việc giám sát cũng là hình thức. Nếu không báo cáo tình hình chỉ là báo cáo đi báo cáo lại. Giao chúng tôi giám sát thì tin tưởng vì chúng tôi là cơ sở, biết được cho thuê cái gì, làm gì, có nộp tiền ngân sách hay không? Chúng tôi là cấp chính quyền cơ sở nên dễ giám sát hơn nhưng đề xuất xử lý phải có hiệu lực”, ông Thái cho biết.
Còn bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng: Giám sát dự án treo mà HĐND và thanh tra tiến hành gần đây là rất đúng, kịp thời vì đó là nguồn gốc sâu xa của sự lãng phí, của tham ô, tham nhũng. Tất cả cũng bắt đầu từ dự án treo. Giờ kết quả giám sát có rồi, kết luận có rồi thì TP phải xem lại quy hoạch và kiên quyết thực hiện đúng quy hoạch đó.
Việc cấp sai dẫn đến dự án treo đều có nguồn gốc của nó. Do đó cứ đúng quy định mà thực hiện, với dự án treo nào quá hạn thì dứt khoát chấm dứt. Để hạn chế dự án treo, ngành chức năng phải công khai quy hoạch, thông tin dân địa phương phải biết điều đó. Đối với dự án thu hồi, tôi ủng hộ nguyên tắc trở thành công trình công cộng; dứt khoát không xây trung tâm thương mại, nhà cao tầng; thu hồi cái nào phải công khai và công khai cả người ký dự án trước đây,
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: