Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6% (15,27 tỷ USD), trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ (14 tỷ USD).
Cụ thể, có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,9%); 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 9,4%); 2.403 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 46,1%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Trong 18 ngành lĩnh vực thu hút đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Long An tiếp tục là địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,78 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…
Về đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đến từ Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.
Mặc dù nguồn vốn FDI đăng ký giảm mạnh song giải ngân vốn FDI vẫn tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ 2020, đạt mức 10,5 tỷ USD.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: