Tính đến tháng 6 năm nay, sau 2/3 chặng đường thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ, số vốn cam kết cho vay mới đạt gần 50%, giải ngân 25,4%. Tiến độ này được đánh giá là chậm và khó có thể về đích như mục tiêu đặt ra ban đầu sẽ giải ngân trong 3 năm.
Trong số các nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân chưa như kỳ vọng, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, về phía khách hàng cá nhân, do nguồn cung nhà chưa đáp ứng nhu cầu; còn doanh nghiệp có tình trạng có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ nhưng còn vướng nợ xấu nên không thể vay.
Vướng nợ xấu, doanh nghiệp không thể vay
Cụ thể, ông Hà cho biết: Theo quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ, người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định. Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích căn hộ nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Do đó, số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư dự án để đáp ứng điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ còn hạn chế. Đối với các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ, nhưng còn vướng nợ xấu mà theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để bảo đảm an toàn đối với hoạt động tín dụng trong ngân hàng, vì vậy các dự án này cũng chưa được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Lý do nữa khiến gói tín dụng này giải ngân chậm là ngoài việc bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, người vay còn phải đảm các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải có đủ vốn vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay; doanh ngiệp là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay.
Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để trả nợ đối với khoản vay. Về điểm này, theo ông Hà, “quy định yêu cầu khách hàng phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để tích lũy trả nợ là một trong những khó khăn đối với các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng”.
Giải ngân gói 30.000 tỷ mới đạt 25,4%
Mặc dù để giải quyết một phần vướng mắc này, tại Nghị quyết số 61 ngày 21/8/2014, Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ từ 10 năm lên 15 năm. Từ đó, mức phải trả nợ gốc và lãi hàng tháng của người vay đã giảm nhiều và nhiều đối tượng đã hội đủ điều kiện về khả năng trả nợ để được vay vốn. Từ đó, tốc độ giải ngân cho vay có cải thiện, tuy nhiên, hiện tốc độ giải ngân vẫn chậm so với mục tiêu.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ 30.000 tỷ). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4% phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua).
Điểm đáng chú ý, theo báo cáo của các Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở, tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4%; số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% so với thời điểm 31/8/2014. Tương tự như vậy, so với thời điểm 28/2/2015 tăng 131% và 128,4%.
Theo Bộ Xây dựng, để phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng là hình thành nguồn vốn trung và dài hạn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Đồng thời, theo ông Hà, cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, gồm: Vốn đầu tư của Nhà nước từ ngân sách, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước…
Đặc biệt, để đẩy nhanh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và Ngân hàng Nhà nước để gỡ vướng trong quá trình triển khai; đôn đốc các địa phương cải cách thủ tục hành chính... để tăng nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng căn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện để vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng./.
Nên để Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay đầu tư nhà ở xã hội Thạc sĩ Trần Thị Minh Thư, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết: Lượng cung nhà ở xã hội trong tình trạng thiếu có nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư. Rút kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội từ Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam có thể vận dụng cách bổ sung thêm chức năng cho Ngân hàng Chính sách xã hội là cho vay đầu tư nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách này sẽ kết hợp với mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở để sử dụng mạng lưới chi nhánh, trang thiết bị sẵn có của Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ cần xây dựng thêm một số chính sách đặc thù, quy chế huy động các nguồn vốn khác, quy chế cho vay, mua, thuê mua nhà ở xã hội... Như thế, vốn huy động sẽ được nhiều hơn, khả năng cho vay lớn, khả năng cung cấp nhà ở xã hội cũng cao hơn./. |