Tổng doanh thu của các doan nghiệp bất động sản trong 6 tháng chỉ đạt 12.806 tỷ đồng, bằng khoảng 1/4 hàng tồn kho. Ảnh minh họa: KL
Thực vậy, thống kê báo cáo tài chính của 69 doanh nghiệp bất động sản cho thấy, hàng tồn kho của các doanh nghiệp vào này 30/06/2013 đạt 81.481 tỷ đồng, lớn hơn so với mức 77.840 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Số hàng tồn kho này cũng chiếm tới 62,2% tài sản ngắn hạn và 39,1% tổng tài sản. So với tất cả các ngành khác tỷ lệ hàng tồn kho của bất động sản so với vốn chủ sở hữu, với tài sản đều cao hơn khá nhiều. Đây là một điểm đặc thù của doanh nghiệp bất động sản nhưng nó cũng cho thấy tình trạng tồn kho của doanh nghiệp bất động sản đang ở mức khá cao.
Doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn nhất là Tập đoàn VinGroup (VIC). Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VIC thì hàng tồn kho vào ngày 30/06/2013 của doanh nghiệp này là 19.994 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Hàng tồn kho của VIC tăng khi công ty nay mở rộng đầu tư sang một loạt các dự án lớn để biến VIC trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn và có uy tín hàng đầu Việt Nam và mang tầm khu vực.
VinGroup hiện là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam. Các dự án của VIC xây dựng đều là những dự án “siêu sang” và ở những vị trí đắc địa. Mới đây VIC đã bán dự án Vincom Center A lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng, cho khoảng 30.000 m2 sàn của tòa nhà này. Nhờ bán được dự án này mà lợi nhuận của VIC 6 tháng đầu năm 2013 lên tới 4.058 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều những năm trước đó.
Doanh nghiệp bất động sản thứ 2 có hàng tồn kho lớn là Xây dựng Đô Thị Kinh Bắc (KBC). Theo báo cáo tài chính hợp nhất đến cuối quý 2 hàng tồn kho của KBC lên tới 7.080 tỷ đồng, chiếm gần 60% so với tổng tài sản. Đặc biệt, hàng tồn kho của KBC bằng 1,81 lần vốn chủ sở hữu. Kể từ năm 2011 đến nay hoạt động kinh doanh của KBC hết sức khó khăn. Lợi nhuận năm 2011 chỉ đạt 35 tỷ đồng và năm 2012 thua lỗ tới 435 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013 KBC tiếp tục thua lỗ tới 61 tỷ đồng.
KBC được biết đến là doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm vừa là doanh nhân nỗi tiếng và là đại biểu Quốc hội. Trong những năm gần đây sự khó khăn của nền kinh tế làm cho chính sách mở rộng đầu tư ồ ạt của KBC vào các khu công nghiệp phải trả giá nặng nề. Qua thời kỳ bùng nỗ kinh tế việc thuê các khu công nghiệp (KCN) đã chậm lại và hiện nay tỷ lệ trống các khu công nghiệp mới xây dựng rất cao. Hàng tồn kho của KBC chủ yếu nằm trong chi phí xây dựng các khu công nghiệp như KCN và Đô Thị Tràng Cát (Hải Phòng) với 3.080 tỷ đồng, KCN Tân Phú Trung 2.646 tỷ đồng, ngoài ra một số KCN khác với giá trị từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, giá cổ phiếu của KBC chỉ còn 8.200 đồng, bằng 60% so với giá trị sổ sách.
Một “đại gia” khác là Bất động sản Phát Đạt (PDR) có số lượng hàng tồn kho đứng thứ 3 với giá trị là 4.920 tỷ đồng, chiếm đến 90,6% tổng tài sản. Hàng tồn kho của PDR cũng cao gấp 2,78 lần vốn chủ sở hữu. Sau khi thành công trong dự án EverRich 1 vào năm 2010 thì kể từ năm 2011 đến nay Phát Đạt gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 doanh thu và lợi nhuận của PDR chỉ ở mức tượng trưng.
Một số đại gia khác trong ngành bất động sản có tồn kho lớn là Quốc Cường Gia Lai (QCG), Sudico (SJS), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Sacomreal (SCR), Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Ngoài HAG do đầu tư đa ngành thì các doanh nghiệp bất động sản còn lại đều có hàng tồn kho lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp này cũng có doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh và đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn.
Tổng doanh thu của các doan nghiệp bất động sản trong 6 tháng chỉ đạt 12.806 tỷ đồng, bằng khoảng 1/4 hàng tồn kho. Điều này cho thấy nếu tình trạng kinh doanh không được cải thiện thì phải mất nhiều năm nữa thì các doanh nghiệp mới giải phóng hết hàng tồn kho hiện tại. Vì thế, hàng tồn kho cao hiện đang là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp bất động sản.
10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có hàng tồn kho lớn nhất
ĐVT: Triệu đồng
Nguồn: BCTC DN & thống kê của NoiThatXhome.vn
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: