Theo tờ trình của Chính phủ, Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế được phê duyệt gồm 2 hợp phần: hợp phần công trình (Dự án hồ Tả Trạch) và hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (Hợp phần đền bù).
Đối với hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt tại Quyết định số 2922/QĐ-UBND ngày 04/12/2001 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 13/6/2006 với tổng mức đầu tư là 143,024 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách Trung ương từ 2002-2006 với số vốn 143 tỷ đồng (đạt gần 100% tổng mức đầu tư).
Theo phương án đền bù được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, tổng số vốn của dự án sử dụng để đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Đối với đất lâm nghiệp Tỉnh có chủ trương “đất đổi đất” (dự kiến thu hồi đất lâm nghiệp của các lâm trường, các tổ chức để giao đền bù lại cho các hộ dân có đất rừng hợp pháp bị mất do triển khai dự án).
Tuy nhiên, đến nay Tỉnh mới cấp được 324,4 ha/1.342,8ha (theo báo cáo của UBND tỉnh). Chủ trương “đất đổi đất” không thực hiện được là do: Quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức có hạn. Vì vậy, nhân dân trong vùng tái định cư đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài. Hiện số vốn cần bổ sung được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghị bổ sung là 77,415 tỷ đồng.
Phối cảnh 3 chiều cụm công trình đầu mối hồ Tả Trạch.
Đế giải quyết những tồn tại, vướng mắc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 784/WCP-KTTH ngày 2/2/2016 về xử lý vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đầu tư xây dựng hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án hồ Tả Trạch cho Hợp phần đền bù.
Đối với đề nghị sử dụng nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 của Dự án hồ Tả Trạch cho Hợp phần đền bù, tờ trình của Chính phủ cho biết, tại Nghị quyết số 916 ngày 5/5/2015 về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 150 tỷ đồng cho dự án hồ Tả Trạch.
"Trên cơ sở rà soát, xem xét cắt giảm nguồn vốn của một số hạng mục chưa thực sự cần thiết phải đầu tư ngay của dự án hồ Tả Trạch để bố trí bổ sung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, sớm ổn định dân cư, đưa toàn bộ công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả dự án, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư (phần đền bù đất lâm nghiệp do địa phương quản lý) vào dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý; sử dụng 77 tỷ đồng trong 150 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung cho dự án để đầu tư cho Hợp phần đền bù đất lâm nghiệp", Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, liên quan tới dân, xung quanh việc đền bù giải phóng mặt bằng dự án hồ Tả Trạch thì trách nhiệm nhà nước phải lo. Không để dân quá khổ trong khi đó 10 năm nay chúng ta vẫn ngồi đây để bàn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện. Chúng ta thường có “sợi dây dài rút kinh nghiệm”, nay lại rút kinh nghiệm không biết bao giờ mới hết.
“150 tỷ này không phải là nguồn dự phòng cho hồ Tả Trạch mà là dự phòng của nguồn trái phiếu Chính phủ, sau Thường vụ Quốc hội bàn mới chi cho hồ Tả Trạch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vấn đề đền bù cho dân chúng ta nợ dân phải giải quyết cho dân. Nhưng nếu trả tiền mặt cho dân có ổn định lâu dài hay không, nhất là dân ở vùng đồng bào dân tộc.
“Việc này phải tính rất kỹ. Mục tiêu là để giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng khi hết tiền lại khiếu nại tố cáo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo lắng.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, tuy là 77 tỷ đồng nhưng đây là quyết định rất khó khăn. Việc này Thường vụ Quốc hội nên có thái độ rõ ràng.
“Việc chuyển 150 tỷ này gọi là công trình cấp bách gồm 2 hợp phần xây lắp và di dân tái định cư. Lo việc cho dân là trước hết cho nên phải đền bù cho dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói.
Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, qua nghe tờ trình thẩm tra, các ý kiến phát biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án hồ Tả Trạch là dự án hết sức quan trọng, đã được bổ sung vốn. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trong hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng chưa xử lý được đổi đất cho nhân dân dẫn đến khiếu kiện 10 năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không để dân chịu thiệt thòi nên chỉ đạo dùng các nguồn lực giải quyết cho dân.
Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, để đảm bảo minh bạch và làm đúng sẽ thu hồi 77,415 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng để đền bù cho hợp phần đền bù tái định cư như tờ trình của Chính phủ.
“Uỷ ban Thường vụ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm: Bộ NN và PTNT, Bộ KH và ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc làm sao không để xảy ra tình trạng như hiện nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết thúc nội dung làm việc, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành nghị quyết với 2 nội dung: thu hồi 77, 415 tỷ ở 150 tỷ cho hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch và bổ sung hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư vào dự án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: