Tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch từ 10% lên 15%.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở nước ta vào năm 2015, 2020 tương ứng là 24 và 33 tỷ viên gạch. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung chúng ta phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150 ngàn tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, tính đến năm 2020, mỗi năm phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2. Điều này sẽ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Ngoài ra, theo quy hoạch của ngành điện, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro, xỉ gây ô nhiễm môi trường. Việc sản xuất vật liệu không nung sẽ sử dụng các phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá…, do đó, việc phát triển sản xuất vật liệu không nung sẽ góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn ra môi trường, làm giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 thì mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay sản lượng vật liệu không nung được sản xuất và sử dụng đạt 29% tổng sản lượng vật liệu năm 2014 (vượt mục tiêu đề ra).
Để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; đồng thời đạt được mục tiêu phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần có nhiều giải pháp để tiếp tục khuyến khích phát triển việc sử dụng gạch bằng vật liệu không nung thay cho gạch từ đất sét nung. Bên cạnh các giải pháp như: tăng cường chỉ đạo; tuyên truyền, phổ biến; kiên quyết xóa bỏ các lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung... thì việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất đối với đất làm gạch cũng là giải pháp cần thiết.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với đất làm gạch từ 10% lên 15% (mức trần trong khung thuế suất).
Bộ Tài chính cho biết, với việc tăng mức thuế suất đối với đất làm gạch nêu trên, số thu thuế tài nguyên dự kiến tăng khoảng 14,2 tỷ đồng.