Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Ông có đánh giá thế nào về việc bố trí các nguồn vốn cho phát triển NƠXH tại Việt Nam, trong thời gian qua?
- Trước hết có thể khẳng định, việc phát triển NƠXH đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn, đặc biệt là “vốn mồi”. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều rồi, nhưng Bộ Xây dựng chưa thực sự quan tâm, “vốn mồi” chủ yếu dùng cho người mua, thuê mua được vay ưu đãi. Nhưng năm 2015, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1023/2015/NQ-UBTVQH13, trong số 21 chương trình mục tiêu quốc gia được chi ngân sách hỗ trợ không có nội dung về NƠXH. Trong khi đó Luật Nhà ở thời điểm đó mới được ban hành. Nghị định 100/2015/NĐ-CP, cũng quy định không cho chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi để xây dựng NƠXH.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, khi Quốc hội và Chính phủ cố gắng bố trí nguồn vốn hỗ trợ NƠXH cũng chỉ được 1.262 tỷ đồng. Năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn Chính phủ quyết định phân bổ thêm 3.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 2.000 tỷ đồng cho 4 Ngân hàng Thương mại được Nhà nước chỉ định để hỗ trợ NƠXH.
Nhưng thực tế chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền, trong khi các ngân hàng thương mại tới giờ này chưa thấy. Nên người vay mua NƠXH trong 5 năm qua, một số ít được vay ưu đãi, phần lớn đều phải vay theo lãi suất thương mại (khoảng 9%/năm). Như vậy là điều hết sức vô lý vì các nước lãi suất cho vay mua NƠXH là rất thấp.
Nhà ở xã hội Ecohome, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Đối với chủ đầu tư NƠXH có 2 cơ chế: Nếu Nhà nước dùng vốn ưu đãi cho vay thì sẽ kiểm soát giá bán đảm bảo ở mức hợp lý đối với khả năng tài chính của người dân. Ví dụ khi triển khai gói tài chính 30.000 tỷ đồng, giá bán NƠXH chỉ là 13 triệu đồng/m2, cao nhất là 15 triệu đồng/m2. Nếu chủ đầu tư vay vốn thương mại, chi phí đầu tư được tính vào giá bán nên giá bán NƠXH hiện ở mức rất cao và người chịu thiệt chính là người dân.
Đã có rất nhiều đề xuất để có nguồn vốn cho phát triển NƠXH thời gian qua. Mới đây, các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã đề xuất với Bộ Xây dựng là nên sử dụng lợi nhuận từ kinh doanh xổ số kiến thiết để làm nguồn vốn phát triển NƠXH. Ông có nhìn nhận thế nào về nội dung này?
- Nguồn vốn lợi nhuận từ xổ số kiến thiết mà phía đối tác Hàn Quốc đề xuất là hoàn toàn hợp lý, vì rất nhiều quốc gia trên thế giới họ đã thực hiện như vậy rồi. Ở Việt Nam, Công ty Xổ số kiến thiết là đơn vị công ích Nhà nước, thì phải được xem như DN xã hội, khi kinh doanh có lãi thì dùng để tái đầu tư hoặc sử dụng cho phát triển các dự án xã hội, trong đó có NƠXH. Hầu hết người mua xổ số ở Việt Nam đều là những người thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Chính vì vậy, việc dùng lợi nhuận kinh doanh xổ số xây NƠXH để phục vụ lại chính những người thu nhập thấp hoàn toàn hợp lý.
Nếu sử dụng nguồn vốn này, liệu trong quá trình triển khai có thể phát sinh những khó khăn, thưa ông?
- Theo tôi, triển khai việc này không có khó khăn gì cả, vì lợi nhuận của công ty xổ số kiến thiết được đưa vào ngân sách Nhà nước của địa phương. Trong khi đó, lợi nhuận từ xổ số kiến thiết rất là cao. Các địa phương sẽ lấy nguồn lợi nhuận đó để hòa vào với ngân sách chung, nhưng muốn thực hiện thì phải đưa ra một quy định cụ thể đó là trích bao nhiêu phần trăm để chuyển hóa làm nguồn vốn xây dựng NƠXH.
Ngoài đề xuất sử dụng nguồn vốn lợi nhuận từ kinh doanh xổ số, theo ông đâu là giải pháp để có nguồn vốn phát triển NƠXH trong thời gian tới, khi nguồn ngân sách Nhà nước ngày càng hạn chế?
- Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển NƠXH đến năm 2020 không hoàn thành. Hết năm 2020 cả nước mới xây dựng được thêm 5,2 triệu mét vuông sàn NƠXH, xấp xỉ 42% so với mục tiêu đề ra, nguyên nhân đầu tiên đó là do thiếu “vốn mồi”. Tôi cho rằng, việc bố trí nguồn vốn tái đầu tư xây dựng NƠXH có nhiều hình thức, Nhà nước cần phải đưa ra một quy định rõ ràng về việc này để làm căn cứ thực hiện. Nhưng thực tế vấn đề này vẫn bị vướng mắc bởi quy định về luật, các dự án NƠXH, nhà ở thương mại đều bị đình trệ vì vướng thủ tục pháp lý, tắc nghẽn nằm ở phía Bộ Xây dựng. Nghị định 49/2021/NĐ-CP mới được ban hành sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, nên cần phải tiếp tục sửa đổi cùng với Nghị định 30/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP về Luật Nhà ở.
Về vốn phát triển NƠXH đầu tiên đó là quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nếu đem ra đấu giá sẽ thu được một khoản tiền không hề nhỏ, nhưng việc thực hiện chính sách quỹ đất 20% đến nay vẫn chưa nghiêm túc.
Cùng với nguồn vốn từ quỹ đất 20%, nguồn vốn đấu giá đất công cũng có thể sử dụng cho phát triển NƠXH, hiện nay tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất nhiều cơ quan, nhà máy đang thực hiện di dời ra khỏi khu vực nội đô, nguồn vốn đấu giá đất sau khi di dời là rất lớn, nên trích một phần để xây NƠXH; ở TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều nông trường quốc doanh đang bị bỏ không, rất lãng phí, nên có thể dùng làm quỹ đất xây NƠXH. Ngoài ra, nguồn vốn từ các nguồn viện trợ, vốn vay ODA hoàn toàn phù hợp để trích ra phát triển NƠXH.
Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ, tổng diện tích khoảng 5.210.000m2 sàn. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 10.950.000m2 sàn. Mặc dù việc phát triển NƠXH đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng mới chỉ đạt được 41,7% so với mục tiêu đề ra, trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu mét vuông sàn). |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: