Ngày 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Bỏ đất hoang hóa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268 tỉ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỉ đồng/năm.
Chính sách miễn, giảm thuế trên là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Lần này Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31-12-2025. Vấn đề này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế và không đối kháng với bất cứ điều lệ nào với thông lệ quốc tế, cũng như quy định của các hiệp định, tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ quan ngại về tình trạng bỏ hoang, hoang hóa đất. ĐB Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) cho rằng bên cạnh mặt tích cực, việc không phải chịu chi phí thuế sử dụng đất nông nghiệp đã làm giảm áp lực, giảm động lực sử dụng đất nông nghiệp. "Hiện nay, đất nông nghiệp nhiều nơi bị chia nhỏ, sử dụng manh mún. Việc tổ chức sản xuất quy mô hộ gia đình hiệu quả thấp, nhiều hộ nông dân được giao đất nhưng không mặn mà sản xuất nông nghiệp, thậm chí không có nhu cầu, bỏ hoang mà không phải chịu trách nhiệm" - ĐB Lâm chỉ rõ.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, thực tế miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vừa qua thiếu tích cực khi không tạo động lực để các tổ chức, cá nhân canh tác dẫn tới tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực. "Có tình trạng đất nông nghiệp được giao nhưng không canh tác hoặc canh tác không hiệu quả. Và cũng có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai dự án đầu tư" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Trước phản ánh của các ĐB về tình trạng bỏ hoang đất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đất hoang hóa do nhiều nguyên nhân chứ không riêng việc miễn, giảm thuế đất nông nghiệp. Xử lý tình trạng đất hoang hóa được thực hiện theo Luật Đất đai.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng kéo dài việc miễn thuế đất nông nghiệp sẽ làm mất đi chức năng của loại thuế này
Cân nhắc thời hạn miễn thuế
ĐB Phạm Văn Hòa kiến nghị, đối với tổ chức được giao đất mà không trực tiếp sử dụng đất, để đất hoang hóa hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. "Trong thời gian chưa thu hồi phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phạt theo Luật Thuế. Không thể chấp nhận việc tổ chức được thuê đất không sản xuất mà lại cho đối tượng khác thuê lại để hưởng chênh lệch" - ĐB Hòa nhấn mạnh.
Băn khoăn về chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần cân nhắc việc kéo quá dài chính sách này. Nếu kéo dài việc miễn thuế đất nông nghiệp sẽ làm mất đi chức năng của loại thuế này. Ông Cường phân tích, số tiền miễn thuế khoảng 7.500 tỉ đồng/năm không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhưng hiện cũng không có tác dụng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân.
Để làm rõ hơn những băn khoăn của mình, ĐB Hoàng Văn Cường tính toán, với khoảng 11.000 hộ nông dân hiện nay, bình quân mỗi hộ được miễn gần 700.000 đồng, không có nhiều ý nghĩa trong thúc đẩy sản xuất. "Do đất không phải chịu thuế nên nhiều người dù không sử dụng vẫn cố gắng giữ đất nhiều, dẫn tới tình trạng đất hoang hóa. Trong khi đó, người khác cần đất thì lại không có để sản xuất" - ông Cường nêu bất cập và cho rằng cần tính toán thời gian kéo dài chính sách, thay vào đó cần có chính sách thuế đất nông nghiệp để khoan sức dân.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hồng Vân (tỉnh Phú Yên) lại đề nghị kéo dài thời gian miễn thuế đến hết ngày 31-12-2030, tức là 10 năm thay vì 5 năm như dự thảo Nghị quyết. Nêu ý kiến về thời gian miễn thuế, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng thời gian miễn chỉ nên 5 năm, sau đó cần có sự đánh giá, phân hóa, điều tiết lại việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân.
Miễn, giảm đúng đối tượngĐồng tình với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhưng ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) lưu ý việc triển khai phải công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, lãng phí. ĐB Phương cho rằng việc miễn, giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến giảm thu ngân sách. Nhiều năm qua, chúng ta vẫn miễn, giảm thuế nhằm đẩy mạnh phát triển tam nông, do đó việc giảm, miễn phải đến đúng đối tượng để chính sách đạt được hiệu quả trong mục tiêu đề ra. Nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niênCùng ngày, báo cáo về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (đoàn Cần Thơ) cũng đồng tình với việc cần nhanh chóng nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc thành lập Bộ Thanh niên. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: