Trái ngược với số lượng “bùng nổ”, chất lượng quy hoạch lại thiếu tính khả thi, ít gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện.
Như tâm sự rất thật của một vị Chủ tịch UBND cấp tỉnh rằng “vừa ký vừa run” do không nhớ nổi ký có đúng quy hoạch chưa.
Lãnh đạo địa phương, người dân khổ bởi quy hoạch đã đành. Cả đất nước, cả nền kinh tế cũng đang khổ vì “ma trận” quy hoạch, tạo cơ chế xin – cho.
Hướng đến phát triển bền vững, sản phẩm quy hoạch cần tăng cường điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trách nhiệm cộng đồng và đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện. “Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập là tất yếu, dựa trên chiến lược phát triển quốc gia, mang tính tổng thể và nguyên tắc, sẽ chấm dứt tình trạng “đá” nhau trong quy hoạch” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Khó tránh khỏi đụng chạm
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bàn về dự án Luật Quy hoạch. Trong cuộc họp này còn nhiều ý kiến chưa thống nhất của các bộ, ngành. Trong các “hồ sơ trình lên chỉ có văn bản của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là thể hiện rõ không đồng tình. Các bộ khác thì không thấy” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Về quan điểm, lãnh đạo Bộ Xây dựng bày tỏ lo ngại việc Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn ở cấp vùng, cấp tỉnh; 10.000 quy hoạch cấp xã. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định chỉ được dùng ngân sách Nhà nước lập quy hoạch.
Bởi, tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn. Về phía Bộ Xây dựng đã có kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch, qua đó cho thấy nhiều tổ chức quốc tế và DN cấp tiền để làm đã phát huy hiệu quả. “Cho đến nay chưa phát hiện có đồ án nào lồng ghép lợi ích của DN bỏ tiền lập quy hoạch” - ông Toàn nói và dẫn chứng trường hợp lập quy hoạch Vân Đồn (Quảng Ninh), DN chuyển tiền cho tỉnh làm, sau đó DN không đầu tư nên việc tài trợ cho lập quy hoạch “rất vô tư”.
Lãnh đạo Bộ Công Thương thì cho ý kiến liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất, vì đây là ngành quan trọng, đang có sự phát triển nhanh. Đại diện Bộ TN&MT cũng bày tỏ “lo lắng” Luật quy hoạch ảnh hưởng đến một số công việc mà Bộ đang được giao xây dựng, trong đó có quy hoạch không gian biển…
Trước vấn đề này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phân tích, một sự thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết được những bất cập lâu nay, nhưng "chắc chắn có sự đụng chạm" đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân nào đó. Do đó, khi đã trình ra Thường vụ Quốc hội thì ý kiến của đại diện các bộ chỉ có tính tham khảo, không phải chính thức. Vì Chính phủ trình dự thảo Luật ra Thường vụ Quốc hội mà đại diện các bộ, ngành lại nói ngược, như vậy là trái với nguyên tắc.
Về vấn đề Luật Quy hoạch đang vướng vì “bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch”. TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đặt câu hỏi ở Việt Nam quy hoạch chỉ định ở đâu, trong luật nào? Một là Luật Quy hoạch đô thị, hai là trong Luật Xây dựng. Luật Xây dựng lại có hẳn một chương về “quy hoạch xây dựng”.
Trong khi trên thế giới không có khái niệm quy hoạch xây dựng, chỉ có khái nhiệm quy hoạch không gian hoặc quy hoạch vật thể. Dùng từ quy hoạch xây dựng, là xem xây dựng như mục đích của quy hoạch. Hay quy hoạch kinh tế thì lấy kinh tế làm mục đích. Đây là khái niệm rất sai mà thế giới không có.
Có ý kiến cho rằng, đã và đang có tình trạng sử dụng quy hoạch để khẳng định quy hoạch ngành thuộc “chủ quyền” của Bộ này, Bộ kia gây lạm phát quy hoạch. Bộ Công Thương “chuộng” quy hoạch ngành do phụ trách nhiều ngành sản xuất: sản xuất dịch vụ, du lịch… Bộ NN&PTNT lại ôm quy hoạch quế, tiêu, café… Riêng Bộ TN&MT lâu nay vẫn nói đến quy hoạch sử dụng đất nhưng chỉ là một dạng quy hoạch thống kê đất đai trong năm tới chứ chưa có tác dụng gì nhiều. Dẫn đến “loạn” quy hoạch ngành, không hiệu quả lại lãng phí ngân sách.
Thực tế, tại các nước phát triển, họ chỉ làm quy hoạch ngành chủ yếu là quy hoạch ngành hạ tầng, giao thông, đường sắt, đường bộ, hàng không, cấp thoát nước, điện năng… phục vụ chung cho toàn bộ nền kinh tế, chứ không có quy hoạch sản xuất như Việt Nam.
Cần có quy hoạch khung
Các chuyên gia trong nước về lĩnh vực xây dựng, quy hoạch cũng đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Quy hoạch. Tựu chung đều khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật. Bởi, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì vấn đề quy hoạch là tất yếu.
Tuy nhiên, hiện chưa có một đạo luật về quy hoạch, nên các hoạt động liên quan đến quy hoạch còn có sự trùng lẫn, phân tán, lãng phí. “Phải thay đổi cách làm, đổi mới tư duy. Đổi mới là khó nhưng ngại khó không làm, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu sẽ trì trệ. Đơn cử, tại một đô thị, DN lấy cớ xây dựng điểm nhấn ngay tại khu vực nội đô để trình Chính phủ rồi tự điều chỉnh quy hoạch không đúng theo luật.
Chung quy do người thực hiện sai, vận dụng sai, điều chỉnh sai, người cấp phép sai và người duyệt cũng sai. Do đó, phải có khung để “soi” vào kiểm soát quy hoạch” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận định.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Luật Quy hoạch nhiệm vụ chính là xác định hệ thống quy hoạch quốc gia. Cái mới trong dự thảo này là có quy hoạch tổng thể quốc gia của cả nước. Đây là việc hết sức cần thiết, nhất là ở những quốc gia kiến tạo phát triển như Thủ tướng hay nhắc.
Quốc gia kiến tạo phát triển là mô hình có sự tham dự, vai trò của Chính phủ trong điều tiết phát triển mạnh mẽ, khác với mô hình phát triển trong thị trường tự do. Bây giờ nếu thông qua dự thảo Luật Quy hoạch thì quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch không gian hợp nhất thành quy hoạch tổng thể. Đây là điều mới mẻ vì không phải cứ nói quy hoạch là giống nhau.
Do đó, cần có Luật Quy hoạch như một dạng luật khung. Trong phạm vi khái niệm luật pháp thì gọi là luật độc lập, quy định những nguyên tắc chung mà những luật khác khi nói về quy hoạch phải phù hợp với “khung” này. Trước mắt, cần làm thế nào cho ra được luật khung. Sau đó rồi mới ngồi xem xét các luật đã ra trước đó có liên quan đến quy hoạch. Những cái gì phù hợp, cái gì chưa phù hợp sẽ điều chỉnh sau. Bởi luật khung nhằm mục đích điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quy hoạch, chứ bản thân nó không làm ra quy hoạch.
“Một thực tế nữa trong quy hoạch hiện nay là anh làm trước, anh làm sau thường xuyên “đá” nhau, thành ra chồng chéo, trái ngược, lãng phí. Đó là lý do cần thiết có quy hoạch khung. Từ đó xuất hiện nguyên tắc, quy hoạch cấp thấp không được trái với quy hoạch cấp cao hơn. Quy hoạch cấp vùng có thể chi tiết hóa rất nhiều nhưng không được trái với quy hoạch quốc gia. Hay là quy hoạch tỉnh không được mâu thuẫn với quy hoạch vùng. Một nguyên tắc “bất di bất dịch”, quy hoạch cấp dưới không được trái với quy hoạch cấp trên” - TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí khi “ngành ngành, tỉnh tỉnh làm quy hoạch” mà không liên kết được với nhau; tránh tình trạng “địa phương nào cũng quy hoạch sân bay, cảng biển”. Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội “Các bộ chưa đồng tình vì bộ nào cũng muốn giữ quy hoạch và chưa hiểu rõ chi tiết về các quy định, điều khoản trong luật, sợ ảnh hưởng đến quy hoạch hiện có. Nhưng thật ra không phải, muốn sự điều tiết của Nhà nước nhất thiết phải có một quy hoạch chung. Ở các nước phát triển đều lấy quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch quốc gia làm chính, tất cả làm theo từ lâu rồi. Chứ không thể tùy tiện như chúng ta, muốn làm quy hoạch thế nào thì làm. Hai huyện cạnh nhau của hai tỉnh “đá” nhau xoành xạch, đường sá không kết nối, sân bay thì chỗ nào cũng muốn làm”. Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam |