Sau nhiều năm mong đợi, đường vành đai I, đoạn nút giao Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đã được giải tỏa xong và tiến hành thông xe kỹ thuật được một tháng. Tuy nhiên, đối diện với sự thênh thang của con đường, công tác đồng bộ, đảm bảo mỹ quan 2 bên tuyến đường lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều nhà dân trên tuyến vành đai I Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái thấp hơn so với mặt đường từ một đến 2m.
Đi dọc 2 bên tuyến đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, điều dễ nhận thấy là những ngôi nhà bị phá dỡ một phần để bàn giao mặt bằng vẫn nham nhở, lộ cả sắt thép. Đa phần chúng đều là những căn nhà có bề ngang không quá vài bước chân, không đủ điều kiện xây dựng lại để sinh sống. Phía đối diện, dọc theo hướng lên đê Nguyễn Khoái, hàng loạt ngôi nhà nằm lọt thỏm so với mặt đường trung bình từ 2 đến 3 mét. Để vào nhà, những hộ dân phải kê tạm lối lên xuống bằng gạch, bằng bao tải đất cát, ván gỗ…
Thực tế, đa số hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái thuộc các phường Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) đều là người lao động nghèo, gia đình lại đông người. Sau khi GPMB, phần vì diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để xây dựng, phần vì không có tiền, nên đành quây tôn hoặc đóng cọc giữ đất rồi bỏ đi ở tạm chỗ khác.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài những hộ không đủ điều kiện kinh tế, một số hộ có nhu cầu xây, sửa nhà thì lại không thể xin được giấy phép xây dựng do không có “sổ đỏ”. Bà Vũ Hoàng Yến ở tổ 5, phường Thanh Lương cho biết, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp các ngành đề nghị sớm giải quyết khó khăn cho người dân, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có động thái nào từ chính quyền địa phương. Khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là không thể xin cấp phép xây dựng, cải tạo nhà ở do không có “sổ đỏ”. Trước đây, do nhà nằm trong dự án nên không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng, cơi nới. Tuy nhiên, giờ đường đã gần xong, nhưng cũng chưa biết khi nào được xây dựng và cấp sổ đỏ.
Trao đổi với PV, ông Bùi Quang Khải - Chủ tịch UBND phường Thanh Lương - cho biết, liên quan đến công tác quản lý xây dựng kiến trúc các công trình 2 bên tuyến đường vành đai I, Ô Đống Mác -Nguyễn Khoái năm 2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 3689 hướng dẫn. Trong đó, hướng dẫn các phương án thiết kế chỉnh trang và bản vẽ minh họa kiến trúc công trình bề mặt hai bên tuyến đường. Một mục đích nữa là để tránh phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo, đảm bảo đồng bộ cảnh quan đô thị, do đó các thửa đất dưới 15 m sẽ không được xây dựng, dưới 4 m thì sẽ thu hồi, phương án hợp thửa, hợp khối… Trong quá trình triển khai, phát sinh vướng mắc, quận đã đề xuất lên thành phố để hướng dẫn, sửa đổi. “Đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn chưa được BQL dự án bàn giao cho thành phố và quận, do đó địa phương vẫn đang phài chờ hướng dẫn của cấp trên” - ông Khải cho biết.
Thiết nghĩ, sau nhiều năm trì hoãn, việc hoàn thành thi công mở rộng và thông xe tuyến đường vành đai I đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái thực sự là tín hiệu vui, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi đã tiến hành GPMT, làm đường mới, thì ngoài sự vào cuộc của Sở GTVT, UBND các quận, huyện, thì phải có sự kết hợp đồng bộ của ngành Quy hoạch - Kiến trúc để tránh xảy ra trường hợp đường làm xong, 2 bên đường vẫn nham nhở…
Cần nhân rộng mô hình đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài Hướng dẫn người dân không làm ban công, không lắp mái hiên mái vẩy. Xây dựng quy định về cốt nền, nền nhà không quá 0,2 mét so với mắt đường, chiều cao tầng 1-2 không quá 3,6m, không xây tầng hầm … “Đối với những thửa đất bị cắt xén, không đồng bộ, chúng tôi cũng linh động bằng cách hạ cốt cao độ sao cho trùng với cả tuyến, công tác hợp thửa hợp khối cũng hết sức được coi trọng, công khai, minh bạch. Đến nay, không có vụ kiện cáo nào” - Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: