Đề án tái cơ cấu kinh tế chưa lường tới chi phí triển khai

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm tới chi phí thực hiện đề án cũng như những tác động, hệ lụy có thể gây ra trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, bản báo cáo trình phiên họp sáng nay chưa đề cập những vấn đề này.

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm tới chi phí thực hiện đề án cũng như những tác động, hệ lụy có thể gây ra trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, bản báo cáo trình phiên họp sáng nay chưa đề cập những vấn đề này.

Sau 4 tháng chuẩn bị, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng nay, với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các phó chủ tịch, chủ nhiệm các hội đồng và ủy ban. Hai bộ trưởng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ phân công tới trình bày báo cáo và giải đáp các chất vấn của Thường vụ Quốc hội.



Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cách làm và mô hình của tái cơ cấu nền kinh tế phải phù hợp với từng thời kỳ. Ảnh: Nguyễn Hưng

Báo cáo đề án do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Thường vụ đã có những điều chỉnh đáng kể so với bản thảo gửi đi ngày 5/4. Nếu như mục tiêu tái cơ cấu trong báo cáo cũ được trích ra từ Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 2011-2020 thì báo cáo sáng nay đã nêu cụ thể hơn, với 5 nội dung chính.


Báo cáo đề án hôm 5/4 mới đưa ra định hướng chung về tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và tái cơ cấu các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển. Nhưng báo cáo trình sáng nay đã phân tách định hướng tái cơ cấu tổng thể thành 5 hợp phần, gồm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cuối cùng là tái cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu các vùng kinh tế.


Nếu như trước đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 12 giải pháp tái cơ cấu kinh tế thì hôm nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu 13 giải pháp. Riêng giải pháp “Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững” đã được chi tiết hóa thành các giải pháp đối với từng hợp phần như tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tái cơ cấu đầu tư nhà nước, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng được coi là những giải pháp ưu tiên triển khai trong giai đoạn trước mắt, 2012-2015. Trong đó, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán; làm cho hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.


Phần lớn các ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng nay đều đánh giá cao sự khẩn trương và nghiêm túc của Chính phủ cũng như các bộ ngành trong việc xây dựng đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên Thường vụ Quốc hội đòi hỏi tiếp tục bổ sung, chi tiết hóa và lượng hóa nhiều nội dung của đề án.


Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cách đặt vấn đề của đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng, sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời đề nghị bổ sung hoàn cảnh, điều kiện tái cơ cấu (tái cơ cấu trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công 2010-2011 và bối cảnh của Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới), bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện.



Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh (phải) bàn với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội về đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Nguyễn Hưng

Bản đề án cũng bị Ủy ban Kinh tế "chê" khi chưa tính toán tới chi phí cần thiết cũng như đánh giá tác động của việc thực hiện đề án đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã được đề ra. Các ý kiến trong ủy ban cho rằng, tính toán chi phí (bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội và thời gian) là hết sức cần thiết, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực.


"Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết, để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại", Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ trong báo cáo thẩm tra đề án.


Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ nhiều chuyên gia "kêu" với bà về việc đề án chỉ đề cập tới mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, hướng triển khai mà chưa phân tích kỹ lưỡng chi phí để tái cơ cấu. Theo bà điều này cần được bổ sung vòa đề án, bởi sự cấu trúc lại, dịch chuyển ắt sẽ phát sinh chi phí, tác động tới các đối tượng liên quan. Chẳng hạn, tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ có doanh nghiệp phá sản, giải thể, dẫn tới thất nghiệp mất việc làm, đào tạo lại nguồn nhân lực.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khiêm tốn nhận mình không rành về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng rất băn khoăn về tác động của quá trình tái cấu trúc tới kinh tế, xã hội. Theo ông, Chính phủ cần làm rõ nếu thực hiện đủ cả 13 giải pháp nêu ra trong đề án thì sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như trung hạn.


"Liệu 10 năm sau có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Thực hiện đề án này thì trong vòng 5 năm thất nghiệp sẽ là bao nhiêu, phải làm gì. Nguồn thu ngân sách nhà nước có giảm hay không, có đạt hay không, tốc độ thu ảnh hưởng thế nào? Giải quyết tình hình đói nghèo thế nào khi cơ cấu đầu tư công phải thay đổi? Tôi rất muốn nghe một báo cáo về tác động khi thực hiện đề ái tái cấu trúc này", ông Phước đề nghị.


Đại biểu Trương Thị Mai cũng quan tâm tới vấn đề nguồn lực, bởi theo bà chi phí này rất quan trọng khi triển khai đề án. Chi phí cải cách kinh tế để vượt qua khủng hoảng ở các nước trên thế giới, theo bà, thường ở mức 5-10%, thậm chí có nơi tới 30-40%.


"Đề án của chúng ta cần làm rõ điều này, trong đó cho biết nhà nước bỏ ra bao nhiêu, doanh nghiệp bỏ ra bao nhiêu, xã hội tham gia thế nào", bà nói.


Là Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Mai đặc biệt lo lắng tới vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Đề án của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cơ cấu lao động cần được chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bà Mai e điều này khó khả thi bởi thực tế cơ cấu lao động luôn dịch chuyển chậm hơn. Chẳng hạn trong giai đoạn 2001-2010 nông nghiệp đóng góp hơn 20% GDP nhưng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lại chiếm 50%. Trong khi đó, lao động nông nghiệp nông thôn thường là thủ công, trình độ thấp, để hướng tới nâng cao chất lượng và giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực này cần có thời gian.


"Chuyển dịch cơ cấu càng nhanh thì sự tổn tương gây ra cho lao động càng lớn. Vì vậy, phải tính toán làm sao để quá trình chuyển dịch này giảm bớt sự tổn thương. Đề án cũng chưa đề cập tới quan hệ lao động. Nếu không tính toán xây dựng quan hệ lao động phù hợp thì sau 10 năm tái cơ cấu, người lao động vẫn chịu nhiều thiệt thòi", bà Mai nói.


Là người am hiểu về lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cơ cấu kinh tế không phải là vấn đề mới, mà Việt Nam đã thực hiện từ nhiều năm nay, từ thời kinh tế kế hoạch, cho tới giai đoạn đổi mới và hiện nay lại đặt lại vấn đề này. Tuy nhiên, cách làm và mô hình phải phù hợp với từng thời kỳ. Đề án tái cơ cấu là một đơn đặt hàng Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị để đưa ra nghị trường trong kỳ họp tới. Quốc hội chưa yêu cầu phải có ngay đề án chi tiết, nhưng theo Chủ tịch, ban soạn thảo cần làm rõ phạm vi đề án, trong đó xác định rõ cái tổng thể, và làm rạch ròi từng đề án thành phần, xác định trọng tâm, đột phá..


"Phải đặt ra được phạm vi để từ đó làm rõ tái cơ cấu sẽ hình thành mô hình mới cho giai đoạn này, đáp ứng được yêu cầu năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn và hiệu quả cao hơn", ông nói.


Ông cũng lưu ý tái cơ cấu kinh tế chắc chắn sẽ có những tác động không chỉ tới kinh tế, mà cả tới xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Vì vậy, ông đề nghị làm rõ tác động đó sẽ như thế nào để xác định giới hạn, phạm vi khi triển khai.


"Trình ra Quốc hội thì phải nêu rõ cái gì Nhà nước làm, nếu làm thì Nhà nước làm tới đâu, nếu không khéo sẽ quay trở lại thời kinh tế kế hoạch. Nếu cái gì nhà nước cũng muốn đề ra, muốn quản lý, muốn chỉ đạo, can thiệp thì tôi thấy rõ có dáng dấp trở lại thời đó".


Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết đề án hôm nay mới mang tính tổng thể. Sau khi được Quốc hội thông qua, các bộ ngành sẽ dựa trên các nguyên tắc chung này để chuẩn bị các đề án chi tiết hơn, xây dựng các đề án riêng cho ngành của mình để Chính phủ duyệt và triển khai.


Với các hợp phần tái cơ cấu đã xác định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lo đề tái tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính "gánh" hai đề án, bao gồm đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu thị trường tài chính.


Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nhìn chung đạt yêu cầu đề ra. Nhưng để nâng cao chất lượng và tính thuyết phục, ban soạn thảo và ban thẩm tra cần tiếp thu ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh. Các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu và bổ sung báo cáo đánh giá tác động của việc triển khai đề án tới xã hội, môi trường, sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và đối ngoại.


Bộ trưởng Vinh thừa nhận phạm vi báo cáo rộng, nhiều vấn đề nên ban soạn thảo rất cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên môn. Tới đây, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức hội thảo với các đối tác phát triển để lắng nghe ý kiến tư vấn của họ.


Theo kế hoạch, 27/4 Quốc hội cũng sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với các tỉnh thành. Trước mắt, trong đề án tổng thể, sau khi được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, tiếp thu rồi hoàn chỉnh và báo cáo Chính phủ. Chính phủ sẽ dành một phiên thảo luận về vấn đề này.


Do tính quan trọng của chủ đề tái cấu trúc kinh tế, và cần thời gian cho các bộ trưởng giải trình, Chủ tịch Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thảo luận thêm một tiếng buổi chiều, thay vì chỉ dành một buổi sáng như kế hoạch ban đầu.



- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24