Cụ thể, về việc UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất thực hiện đầu tư Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh, căn cứ ý kiến các bộ tại cuộc họp ủng hộ về chủ trương đối với kiến nghị đề xuất của tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục nhanh nhất nhằm bảo đảm an toàn giao thông để đầu tư các công trình trên tuyến quốc lộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang làm việc, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, đưa Dự án xây dựng mở rộng cầu Xương Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và cầu Cẩm Lý trên Quốc lộ 37 vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Hàn Quốc giai đoạn 2023-2026.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2021, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án mở rộng 4 cầu Xương Giang, Như Nguyệt, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang trên quốc lộ 1, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến 2.223 tỉ đồng.
Sau đó UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị rút cầu Như Nguyệt ra khỏi danh mục dự án dùng vốn ODA Hàn Quốc và đề xuất dùng ngân sách của tỉnh để mở rộng cầu Như Nguyệt và vào danh mục dự án mở rộng cầu Cẩm Lý trên quốc lộ 37 và tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.
Được biết, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn được triển khai thực hiện thông qua 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó dự án cao tốc Hà Nội-Bắc Giang (nâng cấp từ quốc lộ 1 mới) được triển khai thực hiện đầu tư năm 2014, gồm 4 làn xe.
Trên tuyến có cầu Xương Giang (tỉnh Bắc Giang) và cầu Như Nguyệt (bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh với Bắc Giang) đang khai thác với quy mô 2 làn xe. Đây chính là nguyên nhân khiến 2 cây cầu này trở thành điểm nghẽn “nút cổ chai” trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: