Gia đình chị Lê Thị Mậu là một trong 20 hộ dân đầu tiên tiến hành xây dựng nhà kiên cố ở khu vực xóm 4. Với mảnh đất 220m2, giá trị 6 triệu đồng, gia đình chị Mậu phải nộp thành 3 đợt. Điều đáng nói, khi tiến hành nộp tiền, xã Thanh Hương lại sử dụng hai loại biên lai khác nhau gồm biên lai thu ngân sách xã và biên lai thu lệ phí do Bộ Tài chính phát hành cùng với một nội dung là thu phí đất công, đất ốt quán. “Đất công, đất ốt quán là đất thuê, điều này cũng đồng nghĩa với việc không được cấp sổ đỏ. Tại sao lúc cấp đất, chính quyền xã lại bảo với chúng tôi là đất ở lâu dài ?” - chị Lê Thị Mậu bức xúc nói.
Ông Nguyễn Công Toàn mua lại lô đất của bà Phạm Thị Kiều có diện tích 200 m2 với giá trị trên 10 triệu đồng. Trong quá trình nộp tiền, xã Thanh Hương cũng sử dụng hai loại biên lai thu phí khác nhau nhưng cùng một nội dung thu phí đất công, đất ốt quán. “Ban đầu mới mua đất, chính quyền xã thúc ép buộc tôi phải xây dựng nhà kiên cố. Nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, lúc ấy tôi chỉ xây căn nhà tạm. Nay kinh tế khá giả hơn, tôi muốn sửa chữa, nâng cấp căn nhà của mình thì chính quyền xã lại đến không cho tôi xây lên, tôi chẳng biết thế nào nữa. Mình bỏ tiền ra mua đất, ở trong nhà của mình nhưng vẫn có cảm giác không an tâm. Hơn 7 năm rồi, gia đình tôi cũng như hàng chục gia đình khác ở đây chưa được cấp bìa đỏ”, ông Toàn than thở.
Tìm hiểu thực trạng trên, ông Hoàng Văn Thanh, cán bộ địa chính xã khẳng định: “Hồ sơ pháp lý mà chúng tôi có được khẳng định đây là đất ở. Năm 2002, sau khi có quy hoạch khu vực xóm 4 thành khu dân cư của thị tứ, chúng tôi thành lập hội đồng xét duyệt cấp đất cho 42 hộ dân có nhu cầu sử dụng. Từ năm 2002-2006, tôi đi học ở Hà Nội, bàn giao lại công việc cho anh Đậu Đình Trí – cán bộ tư pháp của xã kiêm nhiệm. Do anh Trí không có chuyên môn về đất đai, địa chính nên hồ sơ, giấy tờ bị tồn đọng. Năm 2007, có Quyết định 146 của UBND tỉnh và áp dụng Nghị định 84/NĐ-CP, chúng tôi tiến hành đo đạc lại để trình cấp trên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Tuy nhiên, vì nhận được đơn thư tố cáo khiếu nại về đất đai nên huyện chưa cấp bìa đỏ được”.
Khi chúng tôi hỏi “Vì sao đã cấp đất ở mà xã lại thu phí đất công?” thì được ông Nguyễn Bá Lý, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Hương trả lời: Đất 5% là đất của xã, khi quy hoạch khu dân cư lại quy hoạch trên đất 5% của xã, bởi thế xã phải thu phí đất công để lấy tiền xây dựng công trình phúc lợi địa phương và nộp vào kho bạc. Huyện cũng đang giao cho xã thu 23 hộ còn lại để nộp vào kho bạc. Có lẽ vì nguyên do này nên huyện chưa cấp sổ đỏ cho dân”.
Kết quả kiểm tra xác minh của đoàn Thanh tra huyện Thanh Chương lại kết luận: 42 lô đất này không phải là đất ở, mà 42 lô đất nói trên UBND xã Thanh Hương cho các hộ dân thuê theo hợp đồng thuê đất công. Việc các hộ dân hợp đồng thuê đất để sản xuất kinh doanh (làm ốt quán) trong thời hạn 5 năm (từ năm 2002 đến năm 2007), nhưng khi hết hạn hợp đồng UBND xã Thanh Hương chưa thu hết số tiền thuê, không thanh lý hợp đồng, quản lý không chặt chẽ để cho 20 hộ dân làm nhà kiên cố. Chính quyền xã Thanh Hương thu tiền của 42 lô đất đã sử dụng hai loại biên lai khác nhau là việc làm sai phạm. Mặt khác, xã Thanh Hương giao đất cho các hộ dân khi quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Huyện uỷ, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý những cán bộ sai phạm, cụ thể người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Lý nhận mức kỷ luật cảnh cáo.
Hiện, huyện Thanh Chương đã chỉ đạo chính quyền xã Thanh Hương tiến hành hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 42 hộ dân.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: