Ảnh minh họa. nguồn internet.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là việc khoanh vùng đối tượng được xét duyệt mua nhà thu nhập thấp. Theo quy định ban đầu của TP Hà Nội, chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại các quận nội thành mới là đối tượng được nộp đơn mua nhà. Sau đó, do nhiều vấn đề nảy sinh mà các chủ đầu tư buộc phải mở rộng đối tượng.
Theo phản ánh của một người dân, chính sách của Nhà nước là tốt nhưng rất nhiều khe hở, thậm chí có nhà cả mấy anh em đều được mua nhà thu nhập thấp. Như vậy là không công bằng với nhiều hộ khác.
Thêm vào đó, nhiều người cũng không mặn mà với chương trình nhà thu nhập thấp vì thực tế giá bán của những căn hộ thuộc diện này lại không được như tên gọi, trong khi địa điểm, vị trí dự án lại cách trung tâm thành phố trên dưới 20km.
Việc quy chuẩn các thủ tục hành chính mỗi nơi một kiểu, thủ tục hành chính rườm rà. Người có nhu cầu thực sự thì khó có thể mua được nhà vì giá quá cao và không đủ tiêu chuẩn, còn người mua được nhà thì khiến họ lại càng lo lắng hơn khi mà hàng tháng phải chi trả lãi suất ngân hàng lên tới vài triệu, hơn cả mức thu nhập của họ trong một tháng.
Chị Hoa, một hộ dân đang sinh sống tại chung cư này cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi phải trả số tiền lãi lên tới hơn 5 triệu đồng. Nếu cho tôi chọn lại, tôi sẽ chọn cách đi thuê nhà chứ không mua nhà thu nhập thấp nữa”.
Nếu thực tế trên tiếp tục diễn ra trong thời gian dài nữa thì liệu nhà ở xã hội có đến được với những người cần nó – những người đang thực sự gặp khó khăn về nhà ở hay là với việc mở rộng đối tượng mua nhà, thậm chí là hạ thấp điểm tiêu chuẩn mua nhà như dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng, nhà ở xã hội sẽ lại rơi vào tay một nhóm người nào đó?
Vấn đề chất lượng
Một trong những lo ngại nhất về nhà ở xã hội là chất lượng công trình liệu có bảo đảm. Hiện nay, chất lượng của đa số chung cư tái định cư rất kém. Nhiều khu chung cư xây bán, chất lượng cũng không hơn là bao.
Không phải tự nhiên khi nhắc tới nhà ở xã hội, người ta lại than phiền về chất lượng công trình cũng như thiếu hụt các cơ sở hạ tầng.
Khảo sát của phóng viên Tamnhin.net tại các khu tái định cư Nam Trung Yên - Cầu Giấy, Đồng Tàu - Thịnh Liệt... cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của các hạ tầng tiện ích đã khiến nhiều người dân sống nơi đây đứng ngồi không yên.
Một người dân tại khu tái định cư Đồng Tàu, Thịnh Liệt phản ánh: "Rất nhiều đường ngõ, vườn hoa, cây cảnh, bể nước và khu trạm điện đều không có ánh sáng cho bà con sinh hoạt. Hệ thống thoát nước, nắp hố ga xung quanh các tòa nhà chưa hoàn chỉnh. Hệ thống điện cầu thang máy cũng không được sửa chữa, duy tu theo định kỳ, nhiều lần bị hỏng hóc. Thậm chí đã có hiện tượng lún, nứt xung quanh các tòa nhà nhưng chúng tôi không được phép sửa chữa”.
Ngoài ra, việc chưa có một quy chuẩn cho xây dựng nhà ở loại này nên chủ đầu tư buộc phải áp dụng xây dựng theo quy chuẩn nhà cao tầng. Cùng với các chi phí hoàn thiện nên việc bán giá cao không theo nguyện vọng của người dân.
Chất lượng, giá cả nhà ở thì như vậy còn việc vận hành và sử dụng các dịch vụ tiện ích phục vụ cho sinh hoạt đời sống của người dân vẫn còn khá nhiều điều lo lắng. Nhiều người dân đã lên tiếng đề nghị, trong khu chung cư nên thành lập tổ dân phố và có họp hành hàng tháng đề lắng nghe những phản ánh của người dân. Đề xuất nguyện vọng này từ lâu nhưng đã có bao nhiêu tòa nhà làm được điều này?
Có thể nói, đưa chính sách nhà ở xã hội vào thực tiễn đã bắt đầu bộc lộ những yếu kém. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, chính sách này cần hoàn thiện hơn nữa trong tương lai. Nhà ở xã hội hay tái định cư không đồng nghĩa là chất lượng thấp, cuộc sống thấp, vị trí kém. Hy vọng, trong tương lai quan niệm này sẽ được xóa bỏ để dù là khu vực tái định cư, cũng phải làm cho phù hợp với tổ chức của một khu đô thị mới.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: