So với những đô thị khác ở Việt Nam, Hội An có rất nhiều những đặc điểm lịch sử và địa lý nhân văn riêng biệt. Đây là mảnh đất có một truyền thống lịch sử lâu đời và là nơi gặp gỡ, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau của các nước.
Đặc điểm đầu tiên có thể nhận thấy ngay ở văn hóa Hội An chính là tính đa dạng. Người Việt khi vào cư trú ở Hội An từ cuối thế kỷ 15 vốn chung sống rất hòa bình với bộ phận dân cư người Chăm vẫn định cư từ rất lâu trước đó. Khi Hội An chính thức trở thành một rhương cảng quốc tế sầm uất, nơi đây đã tiếp nhận thêm nhiều cư dân mới đến từ các nước với những nền văn hóa khác nhau.
Điều này giúp cho Hội An ngày nay có được một nền văn hóa đa dạng với nhiều tầng, nhiều lớp; thể hiện rất rõ ở tất cả các hình thái văn hóa phi vật thể khác nhau như: phong tục tập quán, văn học dân gian, ẩm thực, hay các lễ hội,…
Một đặc điểm nổi bật khác của văn hóa Hội An đó là tính bình dân. Khác vớiHuế, kinh thành cũ của nước ta, nơi có rất nhiều di sản văn hóa mang tính chất cung đình, thì hệ thống di tích của Hội An lại là những thiết chế văn hóa cổ truyền mang những nét đặc trưng của cuộc sống đời thường. Ở Hội An, những văn hóa phi vật thể vẫn đang sống và rất tương thích với hình thái văn hóa vật thể tại nơi đây.
Văn hóa tín ngưỡng
Tại Hội An, bên cạnh tục thờ cúng ông bà tổ tiên, những người dân nơi đây còn có tục thờ Ngũ tự gia đường. Theo như quan niệm ở đây, nước có vua nhà có chủ, thần chủ nhà chính là Ngũ tự gia đường và phải được thờ cúng.
Nơi thờ Ngũ tự gia đường được người dân đặt trang trọng ngay giữa nhà, trên bàn thờ gia tiên. Những trong thực tế, tại các ngôi nhà ở Hội An, ngoài khám thờ chung, mỗi vị thần thuộc Ngũ tự gia đường lại có nơi thắp hương riêng. Đặc biệt, trong các gia đình người Hoa, thay vì thờ Táo Quân trong bếp, họ lại đặt thờ Táo Quân ở không gian sân trời, bên cạnh khám thờ thần Thiên quan tứ phước.
Về tôn giáo, có thể thấy ở Hội An tồn tại rất nhiều những tôn giáo khác nhau như: Phật giáo; Công giáo Rooma, Đạo Tin lành, đạo Cao Đài,… nhưng Phật giáo vẫn chiếm đa số nhất. Nhiều gia đình ở Hội An tuy không theo Phật giáo những vẫn thờ Phật và ăn chay.
Một điểm khác biệt nữa trong tín ngưỡng ở Hội An đó là tục thờ Quan Công, tuy ít gặp ở nông thôn nhưng đặc biệt phổ biến ở thành thị. Tuy hệ thống thần thánh được tôn thờ ở Hội An rất đa dạng và phong phú, nhưng Quan Công thì lại được xem như là một vị thánh linh thiêng nhất. Miếu thờ dành cho Quan Công được xây dựng nằm ngay trong trung tâm của khu phố cổ, trở thành một trung tâm tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng tại nơi đây.
Văn hóa Hội An với những lễ hội truyền thống
Ở Hội An hiện nay vẫn gìn giữ được rất nhiều những loại hình lễ hội truyền thống như: lễ hội kính ngưỡng thành hoàng làng, lễ hội tưởng niệm những vị tổ sư ngành nghề, hay lễ hội kỷ niệm các bậc thánh nhân,…Thông thường, mỗi làng đều có một ngôi đình để thờ thành hoàng làng và các vị tiền hiên. Mỗi năm, cứ vào đầu mùa xuân, các làng lại bắt đầu mở lễ hội để kính ngưỡng vị thánh của làng mình và để tưởng nhớ đến công lao các vị tiên hiền.
Ngoài ra, Hội An còn có rất nhiều những lễ hội truyền thống khác được người dân nơi đây tổ chức hàng năm như: lễ hội Long Chu; lễ hội cầu ngư vào rằm tháng hai và cầu an vào khoảng trung tuần tháng ba âm lịch; lễ tế Cá Ông, lễ hội đêm rằm phố cổ vào mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng;… Các lễ hội nơi đây thường được diễn ra rất long trọng và thu hút các du khách trong và ngoài nước tới để tham dự.
Âm nhạc, diễn xướng và trò chơi dân gian
Những hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian ở Hội An được kết tinh từ quá trình lao động của các cư dân địa phương. Cho đến ngày nay nó vẫn được gìn giữ và là một phần không thể trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Có thể kể đến những điệu hát hò khoan, các điệu hò giựt chì, hò kéo neo, hay những điệu lý, vè, các hình thức hát tuồng, bả trạo, hô thai, hô bài chòi,… vãn thường được tổ chức hàng năm.
Hội An còn có truyền thống về diễn tấu cổ nhạc trong các dịp lễ hội, tang ma hiếu hỉ, và truyền thống ca nhạc tài tử với những nghệ nhân khá nổi tiếng. Những người dân nơi đây cũng có rất nhiều thú chơi, tiêu biểu như: trò bài tới, trò đỗ xăm hường, trò thai đề xổ cử nhân, trò thả thơ, trò chơi thư pháp,…
Văn hóa ẩm thực đặc sắc
Với vị trí thuộc vùng cửa sông ven biển, là nơi giao nhau của các tuyến giao thông đường thủy, đồng thời cũng là nơi hội tụ về kinh tế, văn hóa liên tục trong nhiều thế kỷ qua. Nhờ đó mà Hội An có được một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và mang những sắc thái riêng biệt.
Môi trường sông biển nơi đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, phong tục tập quán cũng như lối sống của cư dân địa phương, trong đó có thói quen về ẩm thực. Trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hội An, thủy hải sản luôn luôn chiếm một phần lớn, còn ở ngoài chợ, số lượng tôm, cua, cá cũng được tiêu thụ gấp đôi số lượng thịt. Cá đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của dân cư Hội An.
Ngoài ra, Hội An vẫn lưu truyền một số thói quen, tập quán về ẩm thực của một số gia đình người Hoa như: vào những dịp lễ tết, họ thường nấu một số món ăn riêng như: bún xào Phước Kiến, cơm Dương Châu, kim tiền kê,… để cùng nhau thưởng thức, cũng như để là dịp nhớ lại nguồn gốc dân tộc. Những cư dân gốc Hoa cũng đã góp một phần đáng kể làm nên sự phong phú của ẩm thực Hội An, họ cũng chính là tác giả của nhiều món ăn đặc sản chỉ có tại nơi đây.