Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã lên tiếng, đề nghị hai địa phương nên ngồi lại với nhau, đồng thời đi kiểm tra thực tế, thay vì đưa thông tin một chiều làm nhiễu loạn xã hội hiện nay.
Đích thân ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trả lời báo chí, rằng không có chuyện địa phương này tùy tiện đặt lò đốt rác tại các khu vực nhạy cảm như đầu nguồn nước sinh hoạt. Do đó, ông kêu gọi báo giới hãy thận trọng để tránh có những bài viết sai thực tế.
Cảnh báo lò đốt rác đầu nguồn
Được biết, vấn đề này được xới lên từ văn bản của Dawaco. Theo đó, từ tháng 11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định số 3460 chấp thuận đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt ở xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam). Đây là lò đốt rác thải sinh hoạt có quy mô lớn (240 tấn/ngày) nằm trên lưu vực sông Yên, nguồn cung cấp nước chính cho thành phố Đà Nẵng.
Dawaco lo ngại dự án khi hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề như vận chuyển rác, khí thải, mùi hôi, nước thải cũng như nước rỉ rác sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên.
Vị trí lò đốt rác Đại Nghĩa nằm cách xa sông Yên và đập dâng An Trạch.
“Vị trí xây dựng lò đốt cách đập dâng An Trạch chỉ khoảng 4km nên mức độ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước sông”, Dawaco nhấn mạnh như vậy và đề nghị chính quyền Đà Nẵng quan tâm, cùng tỉnh Quảng Nam cân nhắc, có hướng điều chỉnh vị trí dự án và những vấn đề liên quan để không gây ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên.
Thông tin lan ra đã lập tức khiến cộng đồng mạng xã hội quan tâm. Khá nhiều ý kiến phản hồi cho thấy, nguy cơ ô nhiễm nước đầu nguồn khi tỉnh Quảng Nam đặt lò đốt rác không đúng vị trí là đáng báo động.
Không có ảnh hưởng?
Trong văn bản chính thức gởi báo chí, ông Lê Trí Thanh cho biết, dự án lò đốt rác Đại Hiệp là lựa chọn cần thiết để xử lý tình trạng quá tải ở khu chôn lấp rác sinh hoạt xã Đại Hiệp.
Ông Thanh cho biết vị trí lò đốt nằm cách khu xử lý rác Đại Hiệp 400 mét về phía tây, cũng thuộc khu núi thấp khá kín gió và hạn chế lượng nước mưa đổ về, ở cách xa nhà dân. Nhà máy sử dụng công nghệ lò đốt RS-VINABIMA-5000 có công suất tối đa 240 tấn/ngày. Lò đốt này tiên tiến hơn những lò đốt đã có, đã được Bộ KH&CN thẩm định và đã áp dụng công nghệ ở một số tỉnh thành.
Ông Lê Trí Thanh khẳng định không có nguy cơ thẩm lậu ô nhiễm nước thải từ lò đốt Đại Hiệp đến nguồn nước sinh hoạt Đà Nẵng.
Ông Thanh cho biết thêm, để bảo đảm khách quan, sáng thứ 7 ngày 25/5/2019 vừa qua, ông đã đi khảo sát một lần nữa. Ông xác định, từ vị trí đặt lò đốt đến điểm tiếp cận gần nhất của sông Yên là 4 km, và đến vùng sông thuộc đập dâng An Trạch là hơn 7 km.
“Từ thực tế khảo sát, tôi cho rằng lo lắng của Công ty cấp nước Đà Nẵng là quá xa và không phù hợp thực tế. Tỉnh Quảng Nam đã cân nhắc rất kỹ về vị trí và công nghệ cho lò đốt này, để cơ bản không có nước bẩn từ hoạt động lò đốt nhiễm ra môi trường. Ngay lượng nước chảy bề mặt khi có mưa, tỉnh cũng tính toán thu gom về trữ tại đập Mười Tấn cách lò đốt hơn 1 km. Vậy làm sao khẳng định vị trí lò đốt sẽ gây nguy hại đến nguồn nước sinh hoạt Đà Nẵng?” ông Thanh nói.
Cần ngồi lại đánh giá
Trao đổi với NoiThatXhome.vn, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Văn Ga, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học kiểm định công nghệ lò đốt tại Đại Hiệp, xác nhận quá trình đánh giá công nghệ này đã được ông và các thành viên thẩm định nghiêm túc.
Toàn bộ hạng mục dự án này đều khép kín trong khuôn viên xây dựng, được cách ly bên ngoài bằng tường rào xây kín xung quanh, phía ngoài có rãnh thu nước. Quy trình xử lý đốt rác, từ rác thải đưa về đến lò đốt không quá một ngày, khâu xử lý nước rỉ rác, thu gom khí là tuần hoàn khép kín.
“Tôi nghĩ thành phố Đà Nẵng nên sớm phối hợp cùng tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra hiện trường, rồi cùng ngồi lại làm rõ có hay không ảnh hưởng của nhà máy đốt rác Đại Nghĩa đến nguồn nước thành phố Đà Nẵng. Một khi chưa xác định đủ cơ sở để quan ngại như kiến nghị của Dawaco, dư luận cũng không nên thông tin đi quá xa, gây hoang mang hiểu nhầm không nên có”, ông Thanh nói.
Bên lề dư luận về lò đốt rác, nhiều ý kiến cộng đồng cho rằng Công ty Dawaco không cần đặt vấn đề quan ngại xa xôi, trong khi bài toán cấp nước kịp thời cho người dân Đà Nẵng hiện nay, đơn vị chưa bảo đảm. Phản ảnh của người dân Đà Nẵng cho thấy, hiện nay địa phương vẫn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt gay gắt. Tại nhiều khu vực nội thị Đà Nẵng, tuần lễ qua nguồn nước cấp từ Dawaco không được duy trì ổn định, một số nơi mất nước sinh hoạt liên tục. Doanh nghiệp này đã phải cho đặt 17 bồn nước sạch tại các vị trí khu dân cư bị mất nước, nguồn nước yếu, kêu gọi người dân đến lấy nước về sử dụng. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: