Ngày 6/10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến vừa ký văn bản yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng tập trung điều chỉnh đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất chọn ga chính tại khu vực trước nhà hát Trưng Vương cho dự án tàu điện ngầm. Từ đây tổ chức một tuyến ngầm lên ngã ba Huế, sau đó đi nổi một nhánh về phía quận Liên Chiểu và một nhánh về phía nam TP; dự kiến chiều dài mỗi nhánh 10km. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu nghiên cứu các trạm dừng, trong đó có 1 trạm tại Công viên 29/3.
Trước đó, ngày 12/9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với ông Shizumi Toshiyuki, Trưởng đại diện Văn phòng Công ty Marubeni (Nhật Bản) tại TP.HCM về khả năng hợp tác xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và tàu tự động tại Đà Nẵng.
Ông Shizumi Toshiyuki cho hay, Marubini là công ty hoạt động đa lĩnh vực ở nhiều quốc gia, đã thực hiện nhiều dự án lớn như tàu điện tại sân bay quốc tế Changi (Singapore); tàu điện tại sân bay quốc tế Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất); tàu điện tại sân bay quốc tế Washington (Mỹ)... Do vậy công ty này khẳng định đủ năng lực, uy tín thực hiện dự án tàu điện ngầm, tàu tự động tại Đà Nẵng, nếu lãnh đạo TP tin tưởng lựa chọn.
Đến ngày 28/9, tại buổi gặp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA cho dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm tại TP nhằm phục vụ giao thông cho người dân và du khách. Đại sứ Yasuaki Tanizaki cho biết sẽ tích cực xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng tiếp cận sớm nguồn vốn triển khai dự án này.
Sân bay Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay dân dụng thuần tuý
Liên quan đến dự án xe buýt nhanh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng nghiên cứu tổ chức hướng chính từ khu vực quận Sơn Trà đi TP Hội An. Ngoài ra, tổ chức thêm một số tuyến khác từ Sơn Trà đi vào trung tâm TP, lên Bà Nà, đi các khu công nghiệp, làng đại học ở phía đông nam TP, các khu du lịch, resort ven biển...
Quảng trường trước nhà hát Trưng Vương sẽ là nơi đặt nhà ga chính của hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng - Ảnh: HC
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cũng xác định trong điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ được tiếp tục nâng cấp và từng bước chuyển thành sân bay dân dụng thuần túy.
Về cảng biển, sẽ nâng cấp cảng Tiên Sa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Bên cạnh đó, yêu cầu nghiên cứu sâu hơn quy hoạch khu vực cảng Liên Chiểu, trong đó lưu ý sự cần thiết đầu tư xây dựng và những tác động của Cảng đối với khu vực lân cận. Đối với hệ thống cầu, yêu cầu triển khai dự án cầu đi bộ qua sông Hàn, trong đó lưu ý nghiên cứu điểm dừng chân thư giãn tại vị trí giữa cầu; và nghiên cứu, đề xuất thêm các vị trí cầu qua sông tại khu vực phía tây cầu Đỏ.
Xác định rõ các khu đô thị như Thiên Park, Golden Hills City, Tuyên Sơn, Hòa Quý, Hòa Xuân, Túy Loan,... là các đô thị vệ tinh của trung tâm thành phố Đà Nẵng. Sau năm 2020, xác định thêm các khu đô thị mới dọc theo sông Cu Đê. Ngoài ra, nghiên cứu sâu việc lấn biển khu vực vịnh Đà Nẵng để phát triển đô thị, trong đó có xem xét đến việc trồng rừng phòng hộ. Về hạ tầng du lịch, yêu cầu xác định rõ các khu nghỉ dưỡng, các bãi tắm, sân golf, casino...; trong đó có xem xét đến việc bố trí casino tại khu du lịch Bà Nà Hills....
"Không để hậu thế oán trách tiền nhân"
Tại cuộc họp góp ý đề án Điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tổ chức hôm 14/9, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nhấn mạnh, đến năm 2030, dân số Đà Nẵng có thể lên đến 2,5 triệu, chưa kể lượng du khách có thể lên đến cả chục triệu lượt mỗi năm. Do vậy, "làm quy hoạch phải có tầm nhìn để hậu thế sau này không oán trách tiền nhân".
Ông xác định, việc điều chỉnh quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 phải học tập hình mẫu phát triển đô thị từ Singapore vốn "có ít đất đai mà quy hoạch và làm cả đường đua xe công thức 1". Do đó, quy hoạch sử dụng đất của Đà Nẵng phải nhắm tới mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Trước mắt, đến cuối năm 2014 không thực hiện quy hoạch chia lô đất ở mà quy hoạch phát triển loại hình đất ở biệt thự, chung cư cao tầng. Quy hoạch khu vực nội thành phải chỉ ra cho được nơi nào làm bãi đỗ xe ngầm, đỗ xe trên cao, rồi các tuyến đường cầu vượt, đường đồng mức, khác mức...
"Bây giờ quy hoạch tàu điện ngầm thì phải tính trước chứ để dân đào móng xây nhà cao tầng sau này chạy quanh móng nhà là không được. Bởi vậy, quy hoạch sử dụng đất là nội dung quan trọng. Quy hoạch phải chỉ rõ vùng và phân khu chức năng đảm bảo cho được diện tích đất dành cho các ngành giáo dục, y tế... Cái gì chưa làm được thì khoanh lại để đó mai sau con cháu làm!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.