“Đà Nẵng thực hiện quy trình rút ngắn thời gian, công khai, minh bạch các thủ tục trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy mạnh phân cấp quản lý đất đai… tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý của các dự án để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội” - ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho hay.
Một góc TP Đà Nẵng. Ảnh: BÙI TOÀN
Đột phá mạnh về thủ tục hành chính
. Phóng viên: Theo đánh giá là Sở TN&MT TP Đà Nẵng đang thực hiện mạnh cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực đất đai để phục vụ người dân và doanh nghiệp, những cải cách này là gì, thưa ông?
+ Ông Tô Văn Hùng: Sở đã tập trung xác định các “điểm nghẽn”, hạn chế của ngành mình, từ đó đề ra hàng loạt giải pháp để cải cách.
Sở lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, lấy việc cải tiến hoạt động giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ kỷ luật của cán bộ, công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC là nhiệm vụ tiên quyết.
Công tác luân chuyển các cán bộ lãnh đạo trong hoạt động giải quyết TTHC được thực thi quyết liệt, triệt để.
Chúng tôi còn lắp đặt camera giám sát hoạt động công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; công khai số điện thoại của lãnh đạo sở… để tiếp nhận các phản ánh của người dân.
. Sở có chính sách gì để nâng cao chỉ số tiếp cận và cạnh tranh về đất đai vốn được người dân, doanh nghiệp hết sức quan tâm?
+ Đến hết năm 2021, chúng tôi sẽ nâng cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với lĩnh vực đất đai để cung ứng TTHC cho người dân, không để gián đoạn vì diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng
Chúng tôi đang vận hành thử nghiệm việc thanh toán trực tuyến đối với 100% TTHC về lĩnh vực đất đai và sẽ vận hành chính thức vào cuối năm 2021.
Sở xây dựng trình tự thực hiện nhằm rút ngắn thời gian, công khai, minh bạch các thủ tục trong quá trình thực hiện thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đẩy mạnh phân cấp quản lý đất đai, tạo tính chủ động cho địa phương trong giải quyết hồ sơ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý đất rẻo, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Năm 2021, chúng tôi triển khai gửi thông báo kết quả hồ sơ đất đai qua email và tin nhắn đến công dân, doanh nghiệp. Công dân chỉ việc đến đơn vị thu hộ nộp các khoản theo thông báo tại email, SMS và đến ngày hẹn được nhận kết quả. Điều này đã giúp người dân rút ngắn thời gian và giảm số lần đi lại.
Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai với 534.607 thửa đất, công bố thông tin đất đai tại địa chỉ: https://ttdd.tnmt.danang.gov.vn/.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung. Toàn bộ thông tin như tờ thửa, diện tích, mục đích, tình trạng pháp lý đều được công khai... Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thông minh phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh của TP.
Khơi thông nguồn lực đất đai
. Đất đai là nguồn lực vô cùng quan trọng nhưng đã có những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện. Đà Nẵng sẽ khắc phục thế nào để khơi thông nguồn lực trong thời gian tới, thưa ông?
+ Để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, trước đây Đà Nẵng đã chủ động ban hành nhiều chính sách, biện pháp có tính đột phá như giảm 5%-10% tiền thu từ đất nếu nhà đầu tư nộp đủ tiền và sớm hơn so với thời hạn quy định; lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức cho thuê hoặc giao đất trực tiếp, ký kết các bản thỏa thuận nguyên tắc với nhà đầu tư...
Song, những cách làm được đánh giá là năng động và sáng tạo đó lại chưa phù hợp với quy định của pháp luật qua các kết luận của thanh tra. Thời gian qua, TP tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ những chính sách mang tính “lịch sử” nói trên.
Kết quả thực hiện được Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao. Theo đó, đã truy thu được hơn 1.000 tỉ đồng tiền thất thu; đã điều chỉnh hơn 400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài thành 50 năm; đã chủ động rà soát pháp lý đất đai của các dự án được giao đất, cho thuê đất trước đây để có giải pháp khắc phục, đưa các dự án vào triển khai và khai thác hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng cũng gặp phải những vướng mắc nhất định như: những nội dung kết luận là sai phạm xuất phát từ các chủ trương, chính sách, việc truy thu tiền về ngân sách TP buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo kết luận của thanh tra gặp sự phản ứng của các nhà đầu tư. Quá trình rà soát, hầu hết các dự án cũ đều trong tình trạng dừng việc triển khai, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn.
Nhiều dự án, khu đất đã chuyển nhượng qua cho nhà đầu tư thứ cấp, sau khi xác định số tiền truy thu thì việc đề nghị nhà đầu tư sơ cấp và nhà đầu tư thứ cấp phối hợp để thực hiện nộp lại số tiền này vào ngân sách là hết sức khó khăn…
Với thực tế nêu trên, TP đã cho thành lập Tổ 602 và Tổ 509 để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đất đai và đầu tư, xây dựng. Hai tổ này đã tham mưu giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án vệt 50 m đường Nguyễn Tất Thành, khu đô thị sinh thái Nam Ô, làng thể thao Tuyên Sơn, Mega asset, Golden Hill…; báo cáo đề xuất Bộ TN&MT tháo gỡ đối với dự án Dragon City và dự án Nam Việt Á; bước đầu tháo gỡ đối với các dự án Cocobay, Hà Nội Non Nước, The Nam Khang…
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chủ động làm việc với trung ương để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án trên địa bàn, sớm khơi thông nguồn lực, góp phần khôi phục nền kinh tế TP sau khi vượt qua được đại dịch này.
. Mục tiêu của Sở TN&MT TP Đà Nẵng trong thời gian tới là gì?
+ Chúng tôi không ngừng đổi mới từ nhận thức, tư duy để đẩy mạnh CCHC, xây dựng quy trình xử lý hồ sơ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Tập trung tham mưu khai thác nguồn lực đất đai thông qua đấu giá đất để thu hút đầu tư, triển khai các dự án phù hợp với định hướng phát triển của TP.
Tiếp tục tham mưu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án, qua đó khơi thông nguồn lực, tạo nguồn thu ngân sách đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025.
Suy cho cùng, để thực hiện các mục tiêu trên thì yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Việc tập trung nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là hết sức cần thiết. Hơn nữa, ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng tham mưu, phương pháp làm việc khoa học cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm luôn là điều chúng tôi cố gắng thực hiện. Chúng tôi cũng rất cần sự đồng hành chia sẻ của người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu xây dựng TP bền vững và đáng sống trong tương lai.
. Xin cám ơn ông.•
Chỉ số PCI về tiếp cận đất đai cao nhất trong năm năm quaSở TN&MT TP Đà Nẵng đẩy mạnh giải quyết TTHC đối với 98/98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt tỉ lệ 100% TTHC). Rút ngắn tối đa thời gian thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án động lực, trọng điểm từ 40 ngày làm việc xuống còn 27 ngày; cấp giấy phép nhận chìm ở biển được rút ngắn 3-5 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC nếu nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến 10%-15% thời gian… Sở tham mưu UBND TP thành lập và kiện toàn tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc về đất đai. Phối hợp với Sở KH&ĐT thực hiện lập báo cáo ĐTM, thẩm định nhu cầu sử dụng đất/chuyển mục đích sử dụng đất… cùng lúc với thủ tục tiếp nhận chủ trương đầu tư. Từ việc “dám nhìn thẳng sự thật” để tập trung CCHC nên vị thứ xếp hạng CCHC của sở trong năm 2020 đã vươn lên hạng tốt. Kết quả đánh giá chỉ số tiếp cận đất đai trong bộ chỉ số PCI năm 2019 là cao nhất trong năm năm kể từ năm 2015 đến nay. Kết quả khảo sát hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng thực hiện độc lập đối với hai TTHC là đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động quyền sử dụng đất cho thấy 90,5% trả lời nhận được kết quả giải quyết TTHC đúng với thời gian ghi trên phiếu hẹn; có 5,5% trả lời là hồ sơ sớm hơn so với giấy hẹn, chỉ có 4% là trễ hẹn… |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: