TS. Nguyễn Trí Hiếu
Kinh nghiệm của Mỹ giải quyết khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng năm 2008 là gì, thưa ông?
Trước tình hình khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trình Quốc hội thông qua gói tài chính 700 tỷ USD (Chương trình giải cứu tài sản xấu -TARP). TARP ra đời dựa trên Đạo luật Ổn định khẩn cấp nền kinh tế (EESA) vào tháng 10/2008. Đạo luật này cho phép Bộ Tài chính Mỹ sử dụng tối đa 700 tỷ USD từ ngân sách liên bang để mua hoặc bảo hiểm những tài sản tài chính có mức độ rủi ro cao của các tổ chức tài chính trong nước.
Có một số người lầm tưởng đó là chương trình quốc hữu hóa ngân hàng của Chính phủ Mỹ, nhưng đây là câu chuyện quốc hữu hóa nửa vời. Bởi lẽ, Chính phủ Mỹ không mua cổ phiếu phổ thông (common shares), mà mua cổ phiếu ưu đãi (preferred shares) do một số ngân hàng phát hành, chỉ với mục đích bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để cứu nguy các ngân hàng đang bị mất vốn trầm trọng vì nợ xấu và các tài sản “độc hại” (toxic assets). Chính phủ Mỹ hoàn toàn không có ý đồ đầu tư để quản trị hay quản lý các ngân hàng này. Dĩ nhiên, không phải ngân hàng nào cũng được tham gia chương trình TARP, mà chỉ những ngân hàng có khả năng phục hồi và còn thanh khoản mới được Chính phủ Mỹ cứu vớt.
Thật ra, Ngân hàng Trung ương Mỹ không đứng ra mua các cổ phiếu ưu đãi, mà Bộ Tài chính Mỹ tiến hành mua và như đã nói, không phải với ý định quản trị và quản lý ngân hàng, mà chỉ nhằm mục đích bơm vốn để các ngân hàng có sức hoạt động. Đây không phải là hình thức quốc hữu hóa theo đúng định nghĩa. Theo đúng định nghĩa, quốc hữu hóa là hình thức Chính phủ mua toàn bộ ngân hàng và quản trị luôn ngân hàng.
Với các ngân hàng, vốn là yếu tố quan trọng nhất và như chúng ta đã biết, các Hiệp ước Basel I, II và III đều xoay quanh câu chuyện vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu thực phải đủ để bảo đảm an toàn cho hoạt động nên việc Chính phủ Mỹ bơm vốn cho các ngân hàng để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là điều cần thiết.
Tất nhiên, song song với đó, bất lợi của việc này là hao tổn trước mắt về chi phí của ngân sách, vì đây là số tiền rất lớn, ngân sách phải bỏ ra để đầu tư vào ngân hàng.
Nhưng cuối cùng, chương trình TARP rất thành công, cùng với việc kinh tế Mỹ phục hồi, thị trường bất động sản khởi sắc, hoạt động ngân hàng phát triển trở lại, nhiều ngân hàng có lợi nhuận nên mua lại cổ phiếu ưu đãi của Chính phủ với giá cao và Chính phủ Mỹ có thêm tiền cho ngân sách từ chương trình này. Nếu không có chương trình TARP, hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ không qua nổi giai đoạn khủng hoảng năm 2008.
Bài học kinh nghiệm gì rút ra là gì, thưa ông?
Điều chúng ta học hỏi được trong trường hợp của Mỹ năm 2008 là chỉ có những ngân hàng đạt được tiêu chí, có khả năng phục hồi và còn thanh khoản mới được cứu. Các ngân hàng yếu kém còn lại, Chính phủ Mỹ để cho phá sản. Thực tế cho thấy, trong trường hợp khẩn cấp khi khủng hoảng xảy ra, Chính phủ bỏ tiền vào quốc hữu hóa ngân hàng bằng hình thức này hay hình thức khác là cần thiết.
Chính phủ có thể thiệt hại ngân sách trong giai đoạn đầu còn hơn là để người gửi tiền chịu thiệt hại, vì tại bất cứ quốc gia nào thì Quỹ bảo hiểm tiền gửi quốc gia cũng chỉ bồi thường cho một số khách hàng gửi tiền tại ngân hàng dưới những giới hạn nhất định và phần còn lại của khách hàng gửi tiền có thể mất trắng. Ổn định hệ thống ngân hàng, nền tài chính là ổn định xã hội, nếu không thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Sự khác nhau của cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi: với cổ phiếu phổ thông, cổ đông có thể nhận được cổ tức mỗi năm tùy theo lợi nhuận của ngân hàng, nhưng trên cơ sở lời ăn, lỗ chịu và có quyền cử người đại diện vào HĐQT để tham gia điều hành. Còn cổ phiếu ưu đãi là một hình thức giống như cho vay, nghĩa là có một mức cổ tức được định sẵn, bất kể ngân hàng có lời hay không. Ngân hàng không cam kết trả lại tiền cho cổ đông ưu đãi nếu cổ đông này muốn thoái vốn khỏi ngân hàng, mà phải tìm người mua cổ phiếu của mình trên thị trường thứ cấp. Chính vì thế, cổ phiếu ưu đãi là hình thức nửa đầu tư, nửa cho vay. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: