Quy hoạch đô thị đang trở thành vấn đề nóng khi những tồn tại trong thời gian qua đã tạo sức ép quá lớn lên giao thông nội đô và cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện và chia nhỏ các khu đất cho nhiều chủ đầu tư đang “băm nán” bộ mặt đô thị Hà Nội. Ảnh: Dũng Minh
Yếu kém trong quy hoạch
Nhận xét về những hạn chế trong quy hoạch đô thị thời gian qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, hệ thống quy hoạch đô thị nhiều nơi còn thiếu đồng bộ, thiếu các quy hoạch chi tiết. Chất lượng quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều nơi còn tùy tiện ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch.
Trước việc hàng loạt tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng liên tục được xây dựng ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, Thủ đô đang bị băm nát bởi sự yếu kém trong quy hoạch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận: “Chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch ”băm nát” Hà Nội, bởi những khu đất 5 - 7 ha “băm ra” cho 2 - 3 chủ đầu tư…”.
Theo các chuyên gia, quy hoạch yếu và thiếu tầm nhìn, sự tăng trưởng nóng của các công trình nhà ở là nguyên nhân gây nên bộ mặt nhếch nhác của đô thị.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ: “Thực tế cho thấy, quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn, tồn tại các vấn đề về môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu nơi vui chơi giải trí, phố xá thì nhếch nhác…”.
Nguyên nhân và giải pháp
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữa tuần qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cơ quan quản lý vấn đề quy hoạch đô thị, xây dựng đã thừa nhận, còn có những hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý nhà nước. Đó là chất lượng lập quy hoạch chưa tốt, tầm nhìn chưa đảm bảo, quy hoạch ngắn hoặc dài quá, tính toán, phân tích số liệu hiện trạng rồi đưa ra mục tiêu, quy trình, tiến độ chưa phù hợp với điều kiện của địa hương; sự thống nhất, khớp nối các quy hoạch hoặc trong quy hoạch ở các cấp độ khác nhau (quy hoạch chung và phân khu) chưa tốt.
“Một hạn chế nữa là khâu tổ chức, quản lý quy hoạch thường thực hiện chậm, chắp vá. Có hạng mục cần làm trước lại làm sau, cần làm toàn bộ lại làm một phần. Ngoài ra, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra không thường xuyên dẫn đến nhiều sự việc chưa được xử lý kịp thời tạo tiền lệ cho sự vi phạm”, Bộ trưởng Hà cho biết thêm.
Để tháo gỡ nút thắt này, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang tiếp tục rà soát lại các quy định, luật liên quan để tránh sự chồng chéo. Hiện có đến 22 điểm chưa đồng bộ giữa luật xây dựng và các luật, nghị định khác. Ngoài ra, bộ này cũng sẽ rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu liên quan trong xây dựng để đảm bảo minh bạch hóa hoạt động này.
Một vấn đề gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện theo hướng có lợi ích nhóm. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng cũng đang trình Chính phủ một nghị định mới thay thế Nghị định 121 để tổ chức kiểm soát, thanh tra xây dựng tốt hơn. Các chế tài sẽ nghiêm hơn, đủ sức răn đe các doanh nghiệp.
“Năm nay, chúng tôi sẽ xử lý, thanh tra cụ thể một số công trình, dự án bất động sản có quy mô sử dụng đất lớn để chấn chỉnh hoạt động xây dựng”, ông Hà nhấn mạnh.
Hy vọng, với những giải pháp đề ra, những hạn chế trong quy hoạch đô thị và xây dựng sẽ sớm được khắc phục.