Donald Bren, khởi nghiệp với khoản vay 10.000 USD
Nhắc đến các doanh nhân bất động sản thế giới, không thể không nhắc đến Donald Bren – người xây dựng đế chế bất động sản tỉ USD từ khoản vay 10.000 USD. Ông còn được mệnh danh là tỷ phú bất động sản giàu nhất nước Mỹ với tài sản ròng cá nhân ước tính đạt 15,5 tỉ USD, tính đến tháng 12/2020, theo Forbes.
Ông Bren sinh năm 1932 tại Los Angeles, trong một gia đình danh giá. Cha ông là nhà sản xuất phim nổi tiếng, còn mẹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, cha mẹ Bren ly hôn khi ông mới lên 10 tuổi và họ có gia đình riêng sau đó.
Hoàn cảnh gia đình giúp ông có tính tự lập ngay từ nhỏ, không ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ. Ngay từ lúc còn học trung học, ông cùng anh trai đã dành thời gian nghỉ hè để theo cha đi các công trình xây dựng với vai trò là những thợ mộc nghiệp dư. Những kinh nghiệm về đầu tư bất động sản sau này của ông được nhen nhúm từ đây.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Washington vào năm 1955 với bằng cử nhân quản trị kinh doanh và kinh tế, ông tham gia Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong 3 năm với vai trò là một sĩ quan dẫn đầu đội thám sát trên những bãi biển của Camp Pendleton.
Năm 1958, ở tuổi 25, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bất động sản của mình với khoản vay 10.000 USD, lập Công ty Địa ốc Bren, xây dựng ngôi nhà đầu tiên ở Lido Isle, Newport Beach, California.
Nhờ những quyết định đầu tư sáng suốt và nhạy bén khi cơn sốt địa ốc bùng nổ ở quận Cam những năm 1960, công ty ông không ngừng lớn mạnh sau đó. Năm 1963, Bren cùng hai người khác sáng lập Công ty Viejo Mission (MVC) và đã mua 4.000 hécta đất để lập kế hoạch và phát triển thành phố Mission Viejo, California. Donald Bren trở thành Chủ tịch của MVC từ năm 1963 đến năm 1967.
Năm 1970, ông gặp phải biến cố đầu tiên khi MVC bị Tập đoàn International Paper thâu tóm với giá 34 triệu USD. Tuy nhiên, đây chính là một thương vụ “hời” của Donald Bren khi chỉ hai năm sau đó, khi cuộc suy thoái của thị trường bất động sản đi qua, ông đã mua lại MVC với giá chỉ 22 triệu USD.
Sau gần hai thập kỷ sống và làm việc tại quận Cam cùng những dự án nhỏ lẻ, năm 1977, cơ hội kinh doanh thực sự đến với Donald Bren khi khối bất động sản lớn nhất của quận là Irvine Ranch rộng hơn 37.000 hécta được rao bán.
Donald Bren cũng có hứng thú với tài sản này, nhưng ông không đủ tiền. Do vậy, ông quyết định bán tất cả những gì đang có và hợp tác các đồng sự vay mượn của nhiều ngân hàng. Cuối cùng, Donald Bren đã mua lại Irvine Company - chủ sở hữu của Irvine Ranch thành công với số tiền 337,4 triệu USD.
Với vỏn vẹn 34% cổ phần ban đầu, nhưng nhờ có khả năng xoay xở tài tình, Donald Bren nhanh chóng thâu tóm được gần như toàn bộ cổ phần của Irvine Company và trở thành chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp vào năm 1996.
Dù vậy, để điều hành một đế chế bất động sản khổng lồ như Irvine Company không phải là một điều dễ dàng. Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2011, Donald Bren từng chia sẻ, cũng giống như mọi ngành nghề khác, những yếu tố để có thể thành công đó là đam mê, sự nhạy bén, lòng can đảm… Và những gì ông học được khi mới vào nghề là khi giữ tài sản trong một thời gian dài, bạn có thể tạo ra các giá trị tốt hơn, tạo ra các sản phẩm hữu hình để hiển thị hơn là khư khư cất nó trong tài khoản.
Đối với ông, vị trí luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng hoặc giảm giá trị của bất cứ một bất động sản nào. Nếu không đủ điều kiện tài chính, hãy cố gắng tìm ngôi nhà tệ nhất trên những con đường tốt nhất. Bởi khi mua được những tài sản kiểu này, bạn đã có hậu phương từ một con đường tuyệt vời – một con đường trong một khu phố an toàn, và bạn sau đó có thể chỉ cần đầu tư một số tiền nhỏ để sửa chữa ngôi nhà đó và rồi có thể bán được nó cho người khác với một cái giá mới.
Vị trí luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng hoặc giảm giá trị của bất cứ một bất động sản nào. (Donald Bren)
Bên cạnh đó, bí quyết giúp ông quản lý tốt Irvine Company chính là hạn chế những khoản nợ và thận trọng với các khoản đầu tư ngắn hạn. Donald Bren luôn cho rằng doanh nghiệp cũng như cá nhân, cần có sự thoải mái trong cấu trúc tài chính, kế hoạch và mục tiêu. Và nợ cùng với những khoản đầu tư bất động sản sinh lời trong ngắn hạn là hai thứ không tạo ra sự thoải mái cho ông.
Từ một công ty chỉ phát triển ở trong và xung quanh thành phố Irvine với những dự án ngắn hạn và bị sức ép từ những khoản nợ, nhưng dưới sự lãnh đạo và tầm nhìn của Donald Bren, Irvine Company đã có những bước phát triển vững chắc, tập trung vào những dự án, kế hoạch dài hạn, mang tầm nhìn chiến lược. Hiện Irvine Company đã trở thành một đế chế bất động sản trị giá hàng tỉ USD rộng khắp nước Mỹ, sở hữu và quản lý hơn 560 tòa nhà văn phòng, hơn 40 trung tâm thương mại, 65.000 căn hộ, nhiều khách sạn và câu lạc bộ golf cùng các bến du thuyền.
Ngoài sự nhạy bén, quyết đoán trong kinh doanh, Donald Bren còn nổi tiếng là một nhà từ thiện tích cực. Ông đã hiến khoảng 1,3 tỉ USD để làm từ thiện. Đặc biệt, ông quan tâm nhiều đến lĩnh vực giáo dục và bảo vệ môi trường. Ông thường xuyên quyên góp cho các trường học và hệ thống các trường đại học về nghiên cứu, nghệ thuật và bảo tồn ở California…
Wu Yajun, nữ tỷ phú giàu nhất thế giới
Wu Yajun là một trong những nữ tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 12 tỉ USD, tính đến tháng 12/2020 theo Forbes. Bà là người đồng sáng lập của Longfor Properties, từng bước xây dựng nên đế chế bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc.
Wu Yajun sinh năm 1964, trong một gia đình bình thường tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Năm 1984, sau khi lấy bằng Cử nhân kỹ thuật tại Đại học Bách Khoa Tây Bắc, bà được phân về làm việc tại xí nghiệp Qianwei Meter Factory với mức lương 16 USD/tháng. Bà đã gắn bó với công việc này trong 4 năm.
Đến năm 1988, bà rẽ ngang sang làm báo tại China Shirong News Agency – tờ báo về bất động sản, trực thuộc Sở Xây dựng thành phố Trùng Khánh. Nhờ công việc này, bà tạo dựng được các mối quan hệ với các quan chức và giới kinh doanh, tích lũy được kiến thức, tạo tiền đề, mở lối cho sự nghiệp kinh doanh bất động sản sau này.
Năm 1993, khi phải chật vật để mua được căn hộ đầu tiên, gặp phải nhiều vấn đề rắc rối từ việc thiếu khí đốt, dịch vụ thang máy đến ánh sáng kém đã thúc đẩy bà thành lập công ty bất động sản Longfor Properties cùng chồng là ông Cai Kui với số vốn đăng ký 10 triệu NDT. Sau đó phát triển thành Longfor Group Holdings.
Năm 1995, Longfor bán dự án khu căn hộ đầu tiên Longfor Garden Nanyuan tại quê nhà. Dù chưa có kinh nghiệm nhưng dự án này được đánh giá thành công bởi chất lượng công trình, công tác quản lý tốt, thu hút được người mua dù mức giá tới 157 USD/m2, cao gấp hai lần thu nhập hộ gia đình trung bình của Trung Quốc thời điểm đó.
Dự án này được chú ý với khẩu hiệu: “Hãy luôn ân cần với bản thân suốt cuộc đời bạn”. Sau này đây cũng trở thành triết lý hoạt động của Longfor.
Được khách hàng đón nhận tích cực nhưng bà vẫn rất cẩn thận, không vội mở rộng kinh doanh mà thực hiện nhiều dự án khác nhau để tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 2000, Wu Yajun mới mở rộng kinh doanh ra bên ngoài Trùng Khánh, lan ra những thành phố lớn như Thành Đô, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thường Châu và Đại Liên.
Năm 2008, chỉ sau 15 năm bà Wu đã từng bước đưa Longfor từ một công ty nhỏ thành một “gã khổng lồ” trên thị trường bất động sản Trung Quốc với doanh số đạt 2 tỉ NDT. Bà Wu Yajun tập trung vào kinh doanh loại hình nhà ở với các tòa nhà chung cư, biệt thự, tòa nhà văn phòng, khu dân cư, tổ hợp kinh doanh và các trung tâm thương mại siêu lớn.
Ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, bà Wu Yajun luôn thận trọng từng bước, luôn học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Bà tự mình đến Thâm Quyến để tìm hiểu về kinh nghiệm thành công của Vanke – công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc.
Một trong những bài học lớn mà bà học được là công khai và minh bạch tình trạng tài chính của công ty. Khi trở về, bà lập tức thuê PricewaterhouseCoopers làm kiểm toán viên của công ty. Tinh thần ham học hỏi của bà được chính chủ tịch Vanke, ông Wang Shi không tiếc lời khen ngợi “không phải là lớn nhất, nhưng chắc chắn Longfor là nhà phát triển bất động sản tốt nhất ở Trùng Khánh".
Một điều mà bà Wu Yajun để lại ấn tượng chính là sự tỉ mỉ khắt khe đến từng chi tiết, lập kế hoạch rõ ràng, dự trù cho nhiều trường hợp xảy ra. Chính nhờ sự chi tiết, tỉ mỉ trong từng khâu, không ngừng nỗ lực hoàn thiện đã giúp Longfor ngày càng nhiều khách hàng tìm tới và đa phần đều thông qua giới thiệu từ bạn bè, người thân. Theo một khảo sát năm 2008, 38% khách hàng của Longfor quay trở lại mua nhà của công ty và 50% số người được hỏi khẳng định sẽ giới thiệu cho người khác.
Mục tiêu của Wu Yajun là xây dựng một công ty được tôn trọng. Bà tiến gần hơn một bước tới mục tiêu sau khi Longfor đưa cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán Hong Kong năm 2009 và được nhiều nhà đầu tư quốc tế chú ý như chính phủ Singapore, Ping An Insurance, Temasek Holdings.
Đến nay, Longfor của Wu Yajun đã có mặt tại 5 khu vực trên khắp Trung Quốc và hơn 50 thành phố. Tập đoàn đã đầu tư hơn 900 dự án bất động sản với tổng diện tích phát triển hơn 100 triệu m2, có 40 trung tâm thương mại trên toàn quốc, với diện tích xây dựng khoảng 3,87 triệu m2, tỷ lệ lấp đầy đạt 94,7%.
Công ty của bà được trao giải “10 công ty bất động sản Trung Quốc có sức mạnh toàn diện tốt nhất” trong 9 năm liên tiếp; ba lần được Forbes chọn là một trong “50 công ty niêm yết hàng đầu ở Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” và ba lần được Forbes xếp hạng trong danh sách “2.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới”.
Là một người giàu có, Wu Yajun khá kín tiếng. Thậm chí tên của bà từng bị viết sai trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc và bị nhầm là nam giới.
Bà là người rất khiêm tốn, và luôn cho rằng “Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường chuyên tâm lo cho công việc của mình”. Với giới truyền thông, bà luôn áp dụng chiến thuật “3 không” ngay từ những ngày đầu: không lên tivi, không trả lời phỏng vấn và cũng không ký tặng.
Wu Yajun giữ chức CEO từ năm 2005 đến 2011 và sau đó giữ vị trí Chủ tịch công ty. Năm 2012, bà là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc đến khi ly hôn, mất gần 3 tỉ USD khi chuyển khoảng 30% cổ phần của mình trong công ty cho chồng cũ.
Nhưng sự giàu có của bà đã nhanh chóng tăng lên. Thậm chí, năm 2013, để quản lý tài sản của mình, bà Wu Yajun còn phải thành lập công ty riêng mang tên Wu Capital. Đây cũng là một “con gà đẻ trứng vàng” khi đầu tư vào nhiều công ty công nghệ phát triển mạnh như Uber hay Evernote.
Tháng 11/2018, bà Wu từ chức chủ tịch và chuyển 44% cổ phần công ty cho con gái Cai Xinyi, thực hiện kế hoạch chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế nghiệp. Năm 2019, bà là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới với giá trị tài sản 8,3 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Zuo Hui, người sở hữu nền tảng giao dịch bất động sản lớn nhất Trung Quốc
Zuo Hui sinh năm 1971 tại Thiểm Tây, Trung Quốc. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ hóa học Bắc Kinh, Zuo Hui nhận một loạt công việc bán hàng trong lĩnh vực bảo hiểm và các ngành khác.
Đến đầu những năm 2000, khi thị trường bất động sản Trung Quốc còn ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính, nắm bắt được thời cơ khi chính quyền cho phép tư nhân sở hữu tài sản, Zuo Hui thành lập Công ty Beijing Lianjia với hoạt động chính là môi giới nhà ở.
Thời điểm đó, GDP bình quân đầu người Trung Quốc chưa đến 1.000 USD, không có nhiều người mua nhà riêng nên ý tưởng bán nhà cho cá nhân được coi là một bước đi táo bạo của Zuo Hui.
Tuy nhiên, là người tiên phong trong thị trường bất động sản mới sơ khai, Zuo Hui có lợi thế đi đầu và dần phát triển Lianjia thành một trong những công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc.
Năm 2008, Lianjia xây dựng Housing Dictionary thu thập thông tin bất động sản, quy hoạch. Năm 2010, Zuo Hui tiếp tục thành lập Yiju Taihe, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, hỗ trợ cho các dự án, khách hàng mua bất động sản.
Đến năm 2018, Lianjia đã hoạt động mạnh tại 29 thành phố lớn tại Trung Quốc. Zuo Hui cho ra mắt ứng dụng Beike sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu lớn, cung cấp thông tin chi tiết về khách hàng và sản phẩm. Từ đó, Zuo Hui đã tạo ra một hệ sinh thái bất động sản và các dịch vụ liên quan. Sau đó, Zuo Hui thành lập KE Holdings có trụ sở tại Bắc Kinh, kết hợp cả Lianjia, Beike và Yiju Taihe.
KE Holdings được ví như Alibaba ở thị trường bất động sản Trung Quốc với mạng lưới 42.000 văn phòng kinh doanh, với hơn 450.000 đại lý trên khắp cả nước. Housing Dictionary của KE là trang web lớn nhất của Trung Quốc về danh sách các bất động sản nhà ở. Hiện KE có hơn 220 triệu trong cơ sở dữ liệu, bao gồm các bản đồ hiển thị chi tiết như vị trí của bệnh viện, trường học và khu mua sắm,…
KE Holdings được ví như Alibaba ở thị trường bất động sản Trung Quốc với mạng lưới 42.000 văn phòng kinh doanh, với hơn 450.000 đại lý trên khắp cả nước.
KE Holdings hợp tác với các nhà phát triển để xây dựng và tiếp thị mở bán các dự án mới. Đồng thời, KE cung cấp dịch vụ cải tạo, nâng cấp, phát triển công nghệ không gian ảo để khách hàng có thể tham quan dự án mà không cần đến tận nơi, một kỹ thuật vô cùng có ích trong mùa dịch Covid-19. Nền tảng mà nhà khởi nghiệp Zuo Hui tạo ra giúp thị trường bất động sản Trung Quốc minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro khi giao dịch. Đây cũng chính là mục tiêu mà Zuo Hui đưa ra từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Năm 2019, tổng giá trị giao dịch của KE đạt tới 318 tỉ USD, tăng 85% so với năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng tổng giá trị giao dịch của KE vẫn đạt tới 198 tỉ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phát triển mạnh mẽ của KE Holdings thu hút được nhiều tập đoàn và quỹ đầu tư nổi tiếng ở châu Á như SoftBank Group, Hillhouse Capital Group và Tencent Holdings.
Tháng 8/2020, Zuo Hui đã phát động một đợt IPO của công ty, huy động 2,4 tỉ USD và niêm yết cổ phiếu ADR trên thị trường chứng khoán New York. Giá cổ phiếu của KE nhanh chóng tăng lên, giúp tài sản của Zuo Hui tăng lên mức hơn 20 tỉ USD, lọt top 100 tỷ phú giàu nhất thế giới theo chỉ số của Bloomberg.
Bên cạnh những thành công bước đầu, tỷ phú Zuo Hui cũng đối mặt với không ít thách thức khi chính phủ Trung Quốc công bố các quy định mới nhằm hạn chế hành vi độc quyền trong ngành công nghiệp Internet. Hay mối đe dọa từ đối thủ cạnh tranh E-House khi hợp tác với Alibaba tạo ra một nền tảng bất động sản dân cư trực tuyến-ngoại tuyến tương tự như mô hình của KE. Và đó chỉ là một trong số rất nhiều nền tảng có mô hình kinh doanh tương tự KE.
Tuy nhiên, Zuo Hui không lo lắng và tập trung vào việc duy trì lợi thế dẫn đầu của mình, chi tiêu mạnh cho việc nghiên cứu, phát triển, nâng cấp tính năng của KE. Được biết, để xây dựng và duy trì hệ thống trực tuyến Beike, Zuo Hui đã phải chi hơn 240 triệu USD. Dù chưa tạo ra lợi nhuận mong muốn, nhưng nhà khởi nghiệp Zuo Hui luôn coi đó là chiến lược đầu tư đúng đắn.
Với kiến thức về công nghệ máy tính, tỷ phú Zuo Hui đang cố gắng phát triển một Lianjia mới để thích ứng với sự thay đổi của thị trường, góp phần tạo sự minh bạch cho thị trường bất động sản Trung Quốc.
“Chiến lược đúng thường kèm theo sự hy sinh ngắn hạn về lợi ích kinh tế. Những thách thức ban đầu sẽ mở đường cho thành công trong tương lai” – Tỷ phú Zuo Hui
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: